Việt Nam cam kết hành động vì khí hậu, tăng cường hợp tác với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ

Ánh Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Nhận lời mời của Chính phủ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ trong các ngày từ 29/11-3/12. Chuyến đi nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam tích cực cùng cộng đồng quốc tế hành động vì khí hậu, triển khai Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-Châu Phi, thúc đẩy thiết lập cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.

Việt Nam cam kết hành động vì khí hậu, tăng cường hợp tác với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chủ trương của Việt Nam về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế, đồng thời củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UAE, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu

Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới thuộc khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra vào hai ngày 1-2/12 tại UAE.

Hội nghị là sự kiện đa phương quan trọng nhất trong năm về biến đổi khí hậu, diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng tiêu cực trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia khẩn trương hành động để có thể đạt được mục tiêu theo Thỏa thuận Paris (2015) về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2oC; đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp tài chính…, hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục các tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Việt Nam cam kết hành động vì khí hậu, tăng cường hợp tác với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 2Cánh đồng điện gió Tân Thuận, Cà Mau. Ảnh minh họa: Lê Minh/TTXVN

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, tham dự Hội nghị COP28 lần này, Việt Nam kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên bốn lĩnh vực quan tâm hàng đầu. Một là, các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng. Hai là, các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này (bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030). Ba là, quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi. Bốn là, sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 (năm 2021), Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm đạt mục tiêu này. Trong đó, có thể kể đến việc thông qua Quy hoạch Điện VIII với việc gia tăng đáng kể vị trí và đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng điện của Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số đối tác quốc tế, qua đó thu hút nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - UAE và Việt Nam - khu vực Vùng Vịnh

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, Việt Nam cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của mình với UAE, nước chủ nhà của Hội nghị COP28. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng thực chất, hiệu quả.

Lãnh đạo Việt Nam và UAE đồng quan điểm phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Việt Nam hiện là top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE và ở chiều ngược lại, UAE là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Kim ngạch thương mại song phương những năm gần đây luôn đạt xấp xỉ 5 tỷ USD. Riêng trong 10 tháng năm 2023, đã đạt gần 4 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai nước đang đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Việc ký Hiệp định CEPA có ý nghĩa to lớn, là cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam-UAE nói riêng, hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Vùng Vịnh, nói chung.       Trong chuyến thăm này, ngoài các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao và chính khách các nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ tham dự các diễn đàn, tiếp các doanh nghiệp, quỹ đầu tư hàng đầu của UAE, qua đó khai mở thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.

Tăng cường quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ

Trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức nước này, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng khi hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1978-2023). Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa… Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường lớn và còn nhiều tiềm năng phát triển ở khu vực Trung Đông, có nhu cầu nhập khẩu nhiều hàng hóa thuộc thế mạnh của Việt Nam và là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại Trung Đông (chỉ sau UAE). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ đạt khoảng 1,65 tỉ USD và hai bên đang nỗ lực để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 4 tỉ USD trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa quan trọng, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực chung toàn cầu, đồng thời tạo đột phá, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam – UAE, Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ, nói riêng và giữa Việt Nam với khu vực Vùng Vịnh, nói chung./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu