Viện trợ vũ khí không phải là giải pháp tối ưu cho liên minh chống IS

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Động thái mới này của Washington chưa biết hiệu quả đến đâu song trước mắt khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria trở nên rối ren hơn.      
(VOV5)- Ngày12/10, máy bay vận tải C-17 của Mỹ đã thả vũ khí cho phe đối lập tại Syria (Damascus gọi là phiến quân) mang tên: Liên minh Arab Syria (SAC). Hành động của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố từ bỏ kế hoạch trị giá 500 triệu USD để huấn luyện hàng nghìn "phiến quân ôn hòa" chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng(IS). Động thái mới này của Washington chưa biết hiệu quả đến đâu song trước mắt khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria trở nên rối ren hơn.                                               


Liên minh Arab Syria là nhóm liên quân ôn hòa mới thành lập, bao gồm nhóm dân quân người Kurd và các nhóm Arab khác như Jaysh al-Thuwwar, bộ lạc Arab Jaysh al-Sanadeed… Lực lượng này đang chiến đấu tại miền Bắc Syria, giúp Mỹ và liên quân thu thập tin tức tình báo về các mục tiêu của IS trên mặt đất. Hiện SAC có khoảng 4.000 - 5.000 tay súng.

Viện trợ vũ khí không phải là giải pháp tối ưu cho liên minh chống IS - ảnh 1
Một nữ chiến binh YPG kiểm tra vũ khí gần khu vực Ras al-Ain, tỉnh Hassakeh. Ảnh: Reuters

Trong  đợt viện trợ đầu tiên bằng đường hàng không cho SAC, Mỹ cung cấp 50 tấn vũ khí, trong đó có vũ khí hạng nhẹ, chủ yếu là súng quân dụng và lựu đạn. Người phát ngôn Bộ chỉ huy trung ương Mỹ (USCC) Patrick Ryder khẳng định lực lượng Mỹ kiểm tra kỹ càng các lãnh đạo của SAC để đảm bảo nhóm này thật sự chống IS chứ không tiếp tay cho khủng bố.


Từ bỏ nhiệm vụ huấn luyện không khả thi, chuyển sang viện trợ vũ khí

Trong nỗ lực đẩy lùi sự tấn công của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng, từ đầu năm nay, Mỹ dành 500 triệu USD cho chương trình đào tạo 5.400 binh lính tinh nhuệ. Tuy nhiên kế hoạch này sớm đổ vỡ khi trong nửa năm, chương trình mới chỉ đào tạo thành công hơn 100 tay súng, quá ít so với kỳ vọng của giới chức Hoa Kỳ. Hơn thế, hiện tại chỉ khoảng 2/3 trong số 100 tay súng này vẫn còn tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria. Đó là chưa kể đến việc một số tay súng được Mỹ huấn luyện trao lại vũ khí cho phiến quân al-Qaeda. Thực tế này khiến cho chiến dịch chống IS của Washington rơi vào bế tắc.


Trước tình cảnh trên, Washington phải thay đổi cách thức hỗ trợ phe đối lập Syria theo hướng hiệu quả hơn. Cụ thể ở đây là chấm dứt chương trình huấn luyện, thay vào đó, Mỹ sẽ cấp vũ khí cho các nhóm đối lập, với các chỉ huy do Mỹ trực tiếp hậu thuẫn. Với số vũ khí viện trợ thường xuyên từ Mỹ, Liên minh Arab Syria sẽ tiến hành tổng tấn công thành phố Raqqa, sào huyệt của IS ở Syria.


Lợi bất cập hại

Mục đích viện trợ vũ khí của Mỹ là đạt hiệu quả cao hơn trong cuộc chiến chống IS nhưng xem ra điều này không hẳn đã đúng. Ngay từ đầu, Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy cho rằng Hoa Kỳ nên giành số tiền trang bị cho phe đối lập để giải quyết các vấn đề nhập cư và hỗ trợ nhân đạo. Trong một bài viết trên NYTimes ngày 9/10, bình luận viên Andrew Rosenthal nhận định kế hoạch mới trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Syria của Mỹ là sự ảo tưởng. Đồng quan điểm trên khi đánh giá về thay đổi mới của Mỹ trên chiến trường Syria, giới quan sát cho rằng Washington rất khó thành công trong việc tập hợp các nhóm nổi dậy có chung mục đích làm suy yếu IS.


Đó là chưa kể đến việc những vũ khí được đưa vào chiến trường mà không được giám sát chặt chẽ thường sẽ gây ra thảm họa, nhất là khi số vũ khí của Mỹ có thể lọt vào tay IS hoặc các lực lượng nổi dậy khác. Điều lo ngại này là có cơ sở khi thực tế cho thấy các chiến binh Dzhebhat en Nusra (cánh quân của al – Qaeda tại Syria) tuần trước tung lên mạng các bức ảnh chụp với súng trường Mỹ, loại vũ khí đã được Mỹ chuyển tới khu vực này. Trong khi đó, chuyên gia về Syria John Landis, Giáo sư của Trường Đại học Oklahoma, cũng cho biết từ 60% đến 80% vũ khí do Mỹ cung cấp cho lực lượng nổi dậy đã rơi vào tay al-Qaeda và các nhánh của tổ chức khủng bố này.


Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng việc Mỹ nên làm lúc này là kiên nhẫn chờ đợi những chuyển biến lớn trên chiến trường hơn là mạo hiểm viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy. Giải pháp khả thi nhất cho họ là thúc đẩy bước đột phá về ngoại giao, dọn đường cho một chiến dịch thống nhất chống lại IS ở Syria.


Chưa biết cầu viện trợ vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria bằng đường hàng không của Mỹ liệu có đẩy lùi được IS hay không nhưng rõ ràng hành động của Mỹ đưa cuộc khủng hoảng  chính trị ở Syria vào khúc quanh mới, có thể khiến tình hình càng trở nên phức tạp hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu