Gian nan cuộc chiến chống IS

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Mặc dù đã tốn kém hàng tỷ USD cho cuộc chiến này nhưng dường như IS vẫn tiếp tục gia tăng sức mạnh và liên quân tiếp tục phải triển khai những giải pháp mới để thay đổi thế trận này.

(VOV5) -  Một năm đã trôi qua kể từ ngày Mỹ dẫn đầu liên quân phát động cuộc chiến rầm rộ chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mặc dù đã tốn kém hàng tỷ USD cho cuộc chiến này nhưng dường như IS vẫn tiếp tục gia tăng sức mạnh và liên quân tiếp tục phải triển khai những giải pháp mới để thay đổi thế trận này.

Gian nan cuộc chiến chống IS - ảnh 1
Ảnh minh họa: laodong.com.vn

Mỹ và liên quân bắt đầu khai hỏa cuộc chiến chống IS, nhóm khủng bố mới ở Iraq và Syria vào cuối năm 2014 và cho đến nay đã tiến hành 6000 vụ không kích nhằm vào IS. Trong suốt một năm qua, Mỹ đã chi khoảng 3,5 tỷ USD, chưa kể kinh phí giúp huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng ở Iraq, đối phó với nhóm khủng bố này. Dẫu vậy, kết quả của cuộc chiến này còn rất xa vời.

IS ngày càng mở rộng ảnh hưởng

Theo tính toán, các cuộc không kích của liên quân đã tiêu diệt hàng nghìn tay súng IS, thu hẹp khoảng 30% diện tích vùng lãnh thổ IS kiểm soát ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh không dễ dàng trong mục tiêu “nhổ tận gốc” IS khi lần lượt các vị trí chiến lược bị rơi vào tay tổ chức khủng bố này và IS đã mở rộng phạm vi chiến tranh ra nhiều khu vực trên thế giới. Gần một năm sau khi chiếm được thành phố chiến lược đầu tiên ở miền Bắc Iraq là Mosul, màu cờ đen của IS đã xuất hiện tại một thành phố chiến lược khác là Ramadi, cách thủ đô Baghdad chỉ khoảng 100km về phía Tây, nơi mà sự tồn tại của chính quyền trung ương cũng hết sức mong manh. Còn tại Syria, quốc gia đang chìm trong nội chiến, thành phố Palmyra và trạm kiểm soát biên giới cuối cùng với Iraq cũng đã rơi vào tay nhóm nổi dậy. Có vẻ như Nhà nước Hồi giáo đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu về một Nhà nước Hồi giáo với các nền tảng cần thiết như lãnh thổ, quân đội và nguồn tài chính mạnh từ dầu mỏ. Để ngăn chặn mối nguy này, Mỹ và các đồng minh không còn cách nào khác là phải thay đổi chiến lược, bởi vấn đề ở đây không chỉ còn là chống lại một nhóm nổi dậy nữa mà là lực lượng có tổ chức khá tốt so với các nhóm cực đoan đang hoạt động hiện nay.

Thay đổi cục diện cuộc chiến

Một bước ngoặt của cuộc chiến là mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định hợp tác với Mỹ và tham gia cuộc chiến toàn diện sau nhiều tháng đứng ngoài liên minh chống IS. Thêm nữa, dù Mỹ nhiều lần tuyên bố không triển khai bộ binh tới Trung Đông để trực tiếp tham gia chống IS nhưng mới đây, Lầu Năm Góc đã điều 6 máy bay chiến đấu F6 và gần 300 binh sỹ đến căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để thay đổi cục diện cuộc chiến này. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố tiếp tục chương trình trị giá 500 USD để huấn luyện 5400 tay súng đối lập Syria, trong vòng 3 năm để chiến đấu chống IS. Thông tin mới nhất là trong ngày 12/8,  Mỹ đã bắt đầu triển khai các cuộc không kích chống các phần tử thuộc nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bằng việc sử dụng các máy bay có người lái được điều động từ căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc chiến ngày càng khó khăn với liên quân chống IS

Trong khi các chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào IS chưa chứng tỏ tính hiệu quả thì Mỹ và các đồng minh vấp phải không ít những nghi ngờ chung quanh mục tiêu thật sự của cuộc chiến này.Chính phủ Syria tuyên bố ủng hộ các nỗ lực chống IS, nhưng với điều kiện phải có sự phối hợp và tham khảo ý kiến của họ. Nga thì lên tiếng kêu gọi Mỹ hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để đối phó IS, đồng thời cho rằng cần thiết lập một liên minh quốc tế tập hợp tất cả các lực lượng coi tổ chức này là kẻ thù chung. Trong khi đó, Mỹ và một số nước trong khu vực kiên quyết không công nhận Tổng thống Syria Bashar al-Assad là đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

Việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng hợp tác trong cuộc chiến chống IS có thể giúp Hoa Kỳ thuận tiện hơn trong việc triển khai các cuộc không kích trên mặt trận chống khủng bố. Tuy nhiên, việc không công nhận vai trò của Chính phủ Syria trong cuộc chiến này sẽ khiến liên quân khó có thể giành thắng lợi trước một IS ngày càng nguy hiểm. Đó là chưa tính đến việc cả Iraq và Syria đều phản đối bất cứ hành động can thiệp quân sự nào từ bên ngoài, coi là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Việc Nga và Iran đang hối thúc một kế hoạch mới, trong đó đề nghị mời tất cả các bên, gồm quân đội Syria, các nhóm vũ trang và cả lực lượng người Kurd cùng ngồi vào bàn đàm phán, được đánh giá là một giải pháp khả thi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, đem lại cơ hội tạo bước đột phá trên mặt trận chống IS được dự báo sẽ còn đầy gian nan.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu