Viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-EU: Ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu

Chia sẻ
(VOV5) -Kể từ ngày 1/7 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. 

Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các nền kinh tế khác, đặc biệt là Liên minh Châu Âu (EU) đang ngày một gia tăng với hàng loạt động thái áp thuế được triển khai để nhắm vào nhau. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang còn tồn tại nhiều trở ngại trên con đường phục hồi, các hành động trả đũa thương mại lẫn nhau này có thể gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu ở mức độ lớn hơn.

Kể từ ngày 1/7 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thông báo được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi đầu tháng 6, theo đó các nước thành viên EU nhất trí ủng hộ kế hoạch của EC, áp mức thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD). Quyết định cứng rắn này của EU được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt các mức thuế quan lần lượt là 10% và 25% đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.

Viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-EU: Ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu - ảnh 1Ảnh minh họa TTX/ AFP 

Khoan nói đến việc các doanh nghiệp của cả hai bên có khả năng phải chịu lỗ về doanh thu do các mức thuế mới, nguy cơ lớn hơn nằm ở chỗ trật tự thương mại toàn cầu và các cam kết trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thể bị tổn hại hoặc thậm chí tan vỡ. Trong trường hợp một cuộc chiến thương mại leo thang, những hậu quả mà nó để lại sẽ đe dọa đến sự tăng trưởng và ổn định tài chính toàn cầu.

Leo thang các biện pháp trả đũa thương mại

Mới đây, Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Ngoài EU còn có các đối tác thương mại khác của Mỹ là Canada, Mexico, Trung Quốc. Đây là mức thuế cao nhất trong bất kỳ hạng mục sản phẩm nào kể từ năm 1971.

Ngay lập tức, động thái đó của Mỹ dã tạo ra sự phản ứng khắp nơi trên thế giới. Trong một tuyên bố mới đây, EU cho biết Hội đồng châu Âu lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu nhôm và thép. Tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Ủy ban châu Âu nhằm đảm bảo sự bảo vệ tuyệt đối các quyền của EU theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đáp trả một các tương xứng và thích đáng với các hành động của Mỹ. Khối này cho rằng ông Trump đang kích động EU và sẵn sàng đối đầu với liên minh này. EU lập tức lên kế hoạch trả đũa, tuyên bố áp thuế 25% nhằm vào khoảng 200 mặt hàng của Mỹ như xe máy, thuốc lá và rượu whisky.

Viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-EU: Ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu - ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp với các CEO doanh nghiệp thép nhôm tại Nhà Trắng. Ảnh AP 

Kể từ đầu năm 2018, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU đã bước sang một giai đoạn mới. Một số nhà phân tích cho rằng chính phủ của Tổng thống Trump thời gian tới sẽ áp đặt thêm các loại thuế mới và với phạm vi lớn hơn nhằm vào EU. Trong cuộc bầu cử năm 2016, tỷ phú Donald Trump đã kiên trì với khẩu hiệu bảo hộ mậu dịch, phản đối tự do thương mại và sự toàn cầu hóa nền kinh tế. Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông, ông Trump hứa sẽ áp thuế quan trên nhiều mặt hàng nhập khẩu bởi vì, theo ông, Hoa Kỳ đã bị các nước trên khắp thế giới lợi dụng khai thác bấy lâu nay. Bởi vậy, để hoàn thành lời hứa với cử tri, ngay từ đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ đã khởi động một cuộc đối đầu về kinh tế giữa Mỹ với các đối tác.

Các rủi ro về kinh tế EU cũng như toàn cầu

Theo ước tính đưa ra từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với các mức áp thuế mới này, tổng lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm 6% và GDP thực tế các nước bị Mỹ áp thuế, trong đó có EU sẽ giảm ít nhất 2%.

Theo các nhà phân tích, các tác động kinh tế vĩ mô của chủ nghĩa bảo hộ Mỹ đang hiện hữu. Việc các quốc gia đáp trả việc áp thuế của Mỹ bằng cách đánh thuế ngược lại đã và đang làm phát sinh một vòng xoáy hàng rào thương mại. Chi phí sản xuất và giá cả nảy sinh từ việc áp thuế có thể sẽ tăng theo cấp số nhân, kéo theo sự leo thang chính trị toàn cầu. Những căng thẳng kinh tế hiện nay giữa Mỹ và EU và sẽ không chỉ dừng lại ở tình trạng hiện tại mà nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện trong tương lai gần, mà trong đó không bên nào được lợi. Nếu một cuộc chiến tranh thương mại diễn ra, bản thân lạm phát ở Mỹ cũng sẽ tăng mạnh do sự phụ thuộc của Mỹ vào nhập khẩu, nguy cơ nông dân mất việc làm. Còn EU cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi Mỹ là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của EU.

Trong bối cảnh các nước sử dụng đồng euro vẫn chưa thể hoàn tất các cải cách thể chế toàn diện để đảm bảo sự ổn định tài chính của châu Âu, đồng thời vẫn đang chật vật giải quyết vấn đề nhập cư, việc chịu chính sách thuế quan từ đối tác thương mại lớn nhất trong lúc này không khác gì đòn đánh mạnh vào nỗ lực phục hồi ổn định kinh tế của châu lục. Điều này dư luận trông đợi trong lúc này là, các bên có thể tìm cách né tránh cuộc chiến thương mại này bằng các biện pháp ngoại giao khéo léo.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu