Vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Lịch sử vẻ vang dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam ở giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng thể hiện khát vọng phát triển với lòng tự hào, tự cường.

Ngày 5/4, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, ngày 31/3, Quốc hội cũng đã bầu Chủ tịch Quốc hội. Như vậy, đến thời điểm này, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong công tác nhân sự cấp cao.                  

Việc xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước để ổn định về mặt tổ chức và cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, kiện toàn Hội đồng Bầu cử quốc gia để tiếp tục chỉ đạo công tác bầu cử.

Vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc - ảnh 1Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. - Ảnh: VGP

Cùng đoàn kết vượt qua khó khăn

Trong các bài phát biểu nhậm chức, các vị lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều nhận thức rõ rằng kinh nghiệm cùng những thành quả tốt đẹp của các vị lãnh đạo tiền nhiệm để lại, chính là hành trang quý báu để tiếp nối và phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách của mình.

Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mà đất nước phải vượt qua trong thời gian tới, có cả những thời cơ và thách thức đan xen, các vị lãnh đạo chủ chốt nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết dân tộc. Theo đó, những thành tựu mà đất nước giành được không chỉ được đo bằng con số tăng trưởng kinh tế, vượt qua đại dịch COVID – 19 mà còn là tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước. Từ những bài học từ lịch sử, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, thách thức, luôn có nguồn sức mạnh rất lớn đến từ tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập, sức mạnh của sự chính nghĩa, sự khiêm nhường và lòng yêu chuộng hòa bình của triệu triệu người dân.

Trên tinh thần đó, các vị lãnh đạo chủ chốt khẳng định sẽ đoàn kết, phối hợp, cộng tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan, gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao, vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, như lời khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ nhậm chức sáng 5/4: "Xin gửi lời đến đồng bào cả nước và kiều bào  ở nước ngoài: Đảng và Nhà nước luôn sát cánh cùng Nhân dân để mùa màng thêm bội thu, để sản xuất, kinh doanh luôn thành công, để trẻ em luôn có những giấc mơ và hoài bão vươn xa, để những cụ già sống trọn phần đời thật ý nghĩa, hạnh phúc và để thúc đẩy tinh thần cho những con người đang khát khao cống hiến, sáng tạo.

Vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc - ảnh 2 Quang cảnh kỳ họp kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV - Ảnh VGP

Niềm tin từ dư luận  

Đánh giá về các vị lãnh đạo chủ chốt vừa được Quốc hội bầu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều có thời gian đảm nhiệm nhiều vai trò, nhiệm vụ quan trọng tại các cơ quan Nhà nước. Đây là lợi thế quan trọng để có thể quán xuyến, lãnh đạo, định hướng các hoạt động của đất nước, của Chính phủ và của Quốc hội. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, bày tỏ:                            

"Tôi nghĩ đây là  thế hệ lãnh đạo có thể điều hành đất nước hiện thực hóa khát vọng dân tộc, đó là khát vọng hùng cường, phồn vinh. Các vị đều là những người dày dặn kinh nghiệm, năng động, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao, đã trải qua rất nhiều môi trường công tác. Tôi tin rằng, với Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa ban hành chỉ rõ con đường đi của dân tộc, với một lực lượng lãnh đạo đầy nhiệt huyết, đất nước sẽ vượt qua khó khăn và thực hiện được mục tiêu đến giữa thế kỷ XX1 sẽ trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa."

Về phía người dân, nhiều cử tri tin tưởng các vị lãnh đạo chủ chốt sẽ làm tốt vai trò của mình như những gì đã tuyên thệ, tập hợp được sức mạnh tập thể, thêm nhiều quyết sách mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy đất nước phát triển.

Lịch sử vẻ vang dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam ở giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng thể hiện khát vọng phát triển với lòng tự hào, tự cường. Việc các vị lãnh đạo chủ chốt đồng lòng quyết tâm hành động sẽ góp phần quan trọng để tiếp tục xây dựng vững chắc cơ đồ, tiềm lực, vị thế đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu