(VOV5) - Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế, ngày 14/2/2013, đã công bố cái gọi là “phúc trình thường niên về tình hình tự do báo chí toàn cầu”, trong đó cho rằng Việt Nam đang nằm trong top 5 quốc gia cầm tù nhiều ký giả nhất thế giới. Đánh giá này thiếu thực tế, không đúng với tình hình báo chí Việt Nam, nếu không muốn nói là đã xuyên tạc trắng trợn về tự do báo chí tại Việt Nam.
|
Trong cái gọi là “phúc trình thường niên về tình hình tự do báo chí toàn cầu”, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế (Committee to Protect Jounanists- CPJ) cho rằng đã có một số Bloggers và Công dân Mạng Việt Nam hiện bị cầm tù vì đã đưa lên mạng những phát biểu ôn hòa các ý kiến của họ. Phúc trình còn viết: “Chỉ riêng trong một phiên tòa hôm 9 tháng giêng năm 2013, 14 thanh niên đã bị tuyên án tổng cộng 100 năm tù giam chỉ vì nhóm người này hành xử quyền tự do ngôn luận”. Với những thông tin đại loại như vậy, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế kết luận hồ đồ rằng “các nhà báo bị bỏ tù tại Việt Nam chủ yếu vì bị cáo buộc tội chống phá nhà nước”.
Chưa cần dẫn những minh chứng cho thấy Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế thiếu thông tin thực tế về tình hình báo chí tại Việt Nam mà ngay trong tựa đề “Những Blogger và Công dân Mạng bị giam cầm sau chấn song nhà tù” của cái gọi là “phúc trình”, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế đã cho thấy sự “lập lờ đánh lận con đen” của họ, khi đánh đồng các nhà báo chính danh, lấy hoạt động báo chí làm nghề nghiệp xã hội với các blogger lợi dụng internet để thực hiện các hành vi vi phạm điều 88 của Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam, các nhà báo hành nghề chính danh được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ hành nghề, hoạt động trong các cơ quan báo chí, có tác phẩm đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng được cấp phép hoạt động, sinh hoạt trong tổ chức nghề nghiệp là Hội nhà báo Việt Nam và được Hội nhà báo Việt Nam bảo vệ quyền lợi. Các nhà báo chính danh được đào tạo nghề nghiệp chuyên môn, tự hào được hoạt động nghề nghiệp vì sự phát triển của báo chí Việt Nam nói riêng và sự phồn vinh của đất nước Việt Nam nói chung. Còn các blogger, là những người chuyên viết nhật ký mạng, tác phẩm của họ là các bài viết đăng trên các trang thông tin điện tử. Các blogger không mang trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, đơn thuần chỉ là những công dân điện tử của một xã hội điện tử. Như vậy, ngay trong tựa đề của cái gọi là “phúc trình”, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế đã cố tình đánh tráo khái niệm để bôi nhọ tình hình thực tế báo chí Việt Nam.
Chưa hết, trong thực tế, Việt Nam không có nhà báo nào bị cầm tù vì tội danh “chống phá nhà nước” mà chỉ có những blogger bị toà án xử phạt tù vì họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Những blogger bị cầm tù, hoặc những thanh niên mới đây bị toà án tuyên phạt án tù “ vì hành xử quyền tự do ngôn luận”… mà Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế nhắc tới trong “phúc trình” là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, đã được toà án các cấp ở Việt nam xét xử một cách công khai, theo tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Tại toà án, họ đều cúi đầu nhận tội với những chứng cứ rõ ràng và phải chấp hành án phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngay cả những luật sư bào chữa cho các đối tượng này cũng phải thừa nhận là các phiên toà đã xét xử đúng người, đứng tội, đúng pháp luật. Như vậy, Việt Nam, một quốc gia có Hiến pháp, pháp luật, không thể bỏ tù bất kỳ ai một cách vô cớ, giam giữ người không có tội, càng không thể bỏ tù ai chỉ vì họ nói lên những chính kiến của họ, như Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế dẫn ra trong bản phúc trình. Phải chăng là Uỷ ban bảo vệ ký giả quốc tế thêm một lần nữa cố tình dẫn những thông tin sai lệch để vu khống tự do báo chí ở Việt Nam?
Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức nghề nghiệp quản lý hơn 19 nghìn hội viên, trong đó có gần 17 nghìn nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề đang làm việc tại hàng trăm cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, luôn khuyến khích mọi nhà báo hoạt động tự do, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng nhà báo trước hết là một công dân và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin trong tác phẩm báo chí của mình. Nếu nhà báo vi phạm pháp luật, trong đó có Luật Báo chí, đều phải bị xử lý theo pháp luật. Đối với các trường hợp không phải là nhà báo mà tự xưng là “nhà báo tự do”, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phát tán các tài liệu xâm hại đến an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân, thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả gây ra để xử lý theo đúng pháp luật. Điều đó biểu thị sự bình đẳng và nghiêm minh của pháp luật nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính ở Việt Nam.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế chắc chắn đã biết điều này, song tiếc là đã bất chấp thực tế, bỏ qua việc các cơ quan pháp luật Việt Nam đã và đang áp dụng hệ thống pháp luật được xây dựng trên nền tảng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm bảo vệ sự tự do báo chí chân chính ở Việt Nam, mà xuyên tạc, vu khống Việt Nam thiếu tự do báo chí. Với những việc làm thiếu khách quan này, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả quốc tế chứng tỏ họ không hoạt động vì các nhà báo chân chính Việt Nam nói riêng và các nhà báo chân chính quốc tế nói chung, như cái tên mà họ đang sở hữu./.