(VOV5) - Tự ứng cử đại biểu Quốc hội cho thấy các quyền hiến định được thực thi trên thực tế ở đất nước Việt Nam.
|
Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh trao hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố 2016-2021 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sau gần một tháng tổ chức nhận hồ sơ ứng cử (Ảnh: vov.vn) |
Ngày 13/3 là thời hạn chót để nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Theo đánh giá của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số người tự ứng cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước. Đây được xem là biểu hiện của tính dân chủ trong bầu cử.
10h sáng ngày 10/3, tức 3 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tại điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội, rất đông người đến tìm hiểu, lấy và nộp hồ sơ. Điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử là một căn phòng nằm trên tầng 10, rộng rãi, có thể đón tiếp cùng lúc cả chục người. Các chuyên viên của Sở Nội vụ Hà Nội luôn bận rộn với công việc hướng dẫn người đến tìm hiểu thêm về việc ứng cử, người đến lấy các mẫu văn bản, người đến nộp hồ sơ...
Người tự ứng cử có nhiều cơ hội
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết năm 2011, ông không gặp vướng mắc gì khi làm thủ tục tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Về hoạt động tự ứng cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14, ông Truyền cho rằng ngày càng có nhiều người tự ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cho thấy không khí dân chủ trong bầu cử được phát huy mạnh mẽ. "Tôi thấy số người tự ứng cử ngày càng nhiều thêm thì cũng chứng tỏ quá trình tiến bộ, dân chủ trong xã hội. Nếu bản thân người tự ứng cử cũng tôn trọng pháp luật, các cơ quan tiến hành công tác bầu cử thực hiện đúng pháp luật, không phân biệt, đối xử, thực hiện công bằng, dân chủ thì mọi việc sẽ trôi chảy, không có gì khó khăn cả. Tôi rất hoan nghênh những người tự ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa này" - ông chia sẻ.
Theo quy định của pháp luật, người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử bình đẳng như nhau trước cử tri. Sự công tâm này được thể hiện ngay ở danh sách bầu cử. Danh sách này sẽ được sắp xếp theo vần A, B, C, không có phân biệt giữa người được đề cử và người tự ứng cử. Đồng thời, trong các cuộc tiếp xúc trước bầu cử, địa phương không được phép định hướng trong giới thiệu đại biểu… Mặt trận Tổ quốc sẽ giám sát chặt chẽ những việc này. Hơn nữa, theo quy định thì mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất là hai người, do đó người tự ứng cử cạnh tranh bình đẳng với những người ứng cử khác và cuối cùng cử tri sẽ lựa chọn những người xứng đáng nhất. Trong sự lựa chọn rộng như vậy, người tự ứng cử có rất nhiều cơ hội.Ông Nguyễn Tử Tuấn, thành viên Câu lạc bộ Thăng Long, Hà Nội, cho rằng: "Quan trọng nhất đối với người dù được hiệp thương giới thiệu hay người tự ứng cử thì đều phải có tinh thần xây dựng đối với đất nước này, có trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân của mình. Vì mục đích cao nhất của chúng ta là xây dựng đất nước, làm những điều tốt đẹp cho nhân dân chúng ta, chúng ta đại diện cho nhân dân. Nếu chúng ta đại diện cho nhân dân mà nói năng thiếu thận trọng, gây bức xúc trong xã hội và không phù hợp thì tôi thấy nó cũng không có lợi".
Tôn trọng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 năm 2011, có tới 82 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành phố được lập danh sách ở vòng 2 và đã có 15 người vào danh sách bầu Đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết không có lý do gì để từ chối một bộ hồ sơ đáp ứng được đầy đủ các quy định mà người tự ứng cử gửi đến. Song qua tham gia công tác bầu cử nhiều năm nay và bản thân cũng là một đại biểu Quốc hội, ông Pha cho rằng những người có ý định tự ứng cử cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ người đại biểu của dân. "Người tự ứng cử phải xác định thật nghiêm túc, chứ không phải là thử xem dân chủ thế nào. Nghiêm túc ở đây một là anh xác định anh có đủ tiêu chuẩn theo Luật quy định không. Thứ hai là khi trúng cử thì anh có đủ điều kiện để làm những việc như anh hứa không. Thứ ba, không những người được giới thiệu mà người tự ứng cử cũng phải lưu ý đó là quan hệ ở nơi cư trú. Rất nhiều người tự ứng cử đã bị trượt vì anh muốn thử, thực sự bản thân không gương mẫu tại nơi sinh sống. Bản thân anh và gia đình không gương mẫu, không tốt thì anh không thể đại diện cho cử tri của tỉnh được chứ không nói đến chuyện đại diện cho cử tri cả nước" - ông nói.
Tự ứng cử đại biểu Quốc hội cho thấy các quyền hiến định được thực thi trên thực tế ở đất nước Việt Nam. Để trở thành đại biểu Quốc hội, trước hết mỗi ứng cử viên, trong đó có người tự ứng cử, phải tôn trọng các tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định trong Luật, đồng thời phải là những người thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức. Có như thế, họ mới xứng đáng đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri cả nước