Chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội: dân chủ, đúng luật

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5)- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các Hội nghị hiệp thương giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội một cách dân chủ, đúng luật.
(VOV5)- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các Hội nghị hiệp thương giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội một cách dân chủ, đúng luật.

Chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội: dân chủ, đúng luật - ảnh 1
Ảnh minh họa: congan.com.vn


Tại Việt Nam đang diễn ra các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 22/5 tới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các Hội nghị hiệp thương giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội một cách dân chủ, đúng luật. 


Tuần trước tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 14. Tiếp đó, tại nhiều địa phương trong cả nước cũng tổ chức các Hội nghị hiệp thương chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử này.


Hiệp thương giới thiệu người ứng cử  đúng cơ cấu, thành phần 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia vào việc bầu cử, góp phần đảm bảo việc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân. Chính vì vậy, công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử phải đảm bảo thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ về thời gian quy định. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: Chúng tôi đã đề nghị có hướng dẫn các địa phương tuân thủ đúng quy định của Điều 8 Luật bầu cử, làm sao số người ứng cử chính thức là phụ nữ đạt tối thiểu 35%, số người ứng cử chính thức là người dân tộc thiểu số ít nhất là 18%. T heo Điều 9 của Luật bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp vẫn phải chủ động trao đổi, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử tại địa phương mình.


Cho đến nay, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận xong về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Theo đó, số lượng đại biểu Quốc hội khóa 14 ở Trung ương là 198 đại biểu. Những ngày này, các địa phương là Quảng Ninh, Điện biên, Tiền Giang, Đắc Lak cũng đã tổ chức xong các Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIV ở địa phương. Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Một ngày sau khi hội nghị toàn quốc triển khai về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị hiệp thương.Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ động căn cứ vào các quy mô dân số, vào tính chất đặc thù của kinh tế xã hội, địa bàn của tỉnh để lên phương án phân bổ thành phần, cơ cấu, số lượng đại biểu giới thiệu ứng cử. 


Triển khai nhiều điểm mới nhưng vẫn đảm bảo đúng Luật bầu cử
Bầu cử đại biểu Quốc hội lần này được thực hiện theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thiết phải giới thiệu đảm bảo cả số dư nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn kỹ vấn đề này để áp dụng thống nhất trong cả nước. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đúng luật định trong quá trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử. Chính vì vậy, Mặt trận sẽ phối hợp chủ động và chặt chẽ với cơ quan có liên quan để bất kỳ những trường hợp phát sinh liên quan đến người ứng cử đều được xem xét, xử lý rõ ràng trước khi đưa vào danh sách bầu cử chính thức. Ông Nguyễn Văn Pha nêu rõ: Việc giới thiệu người ứng cử là cả quy trình chặt chẽ, không riêng Mặt trận Tổ quốc làm được. Mặt trận Tổ quốc chỉ làm bước sau cùng, cho nên Hội nghị hiệp thương phân bổ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nào thì cơ quan tổ chức, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về người do mình giới thiệu theo đúng luật định. Với người ứng cử dự kiến làm đại biểu chuyên trách cũng có quy định riêng, hoặc đại biểu ứng cử là đảng viên thì còn phải bảo đảm theo hướng dẫn của Đảng. 
 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 diễn ra vào ngày 22/05 tới là sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang làm đúng luật, đúng trách nhiệm để giới thiệu với cử tri cả nước những người xứng đáng ứng cử vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu