Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình ở thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn thể hiện rõ khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam. Tinh thần quyết giữ vững độc lập đã theo dân tộc Việt Nam đi suốt chặng đường đấu tranh thống nhất đất nước. Và là động lực để mọi người dân Việt Nam đồng lòng viết tiếp khát vọng phát triển trong kỷ nguyên mới.
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã kết nối muôn con tim người dân đất Việt đoàn kết cùng nhau, chung sức, đồng lòng giương cao Cờ đỏ sao vàng tiến lên, vượt qua muôn vàn gian khó để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình ở thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ảnh tư liệu: TTXVN |
Thành tựu từ nền độc lập, tự do
Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam đoàn kết cùng vượt qua 2 cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, tiếp đó là hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một đất nước đói nghèo, lạc hậu, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hoàng Lộc, kiều bào tại Anh, bày tỏ: "Chúng tôi nhận thấy đất nước rất phát triển. Việt Nam vẫn giữ được ổn định, vui mừng nhất là ngăn chặn được dịch bệnh COVID-19. Những năm gần đây, đất nước nhiều đổi thay, kinh tế phát triển, thu hút các nhà đầu tư, rồi người dân phấn khởi, đất nước đạt nhiều thành tích: xây dựng, đường xá, giao thông thuận lợi, kinh tế phát triển lên."
Trong tiến trình hội nhập kinh tế, Việt Nam chủ động thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường giao thương, là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh tư liệu |
Ông Philipp Rösler, nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, nhận xét: "Có rất nhiều công ty quốc tế đang muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp của họ và điều đó có nghĩa họ sẽ phải tìm kiếm những khu vực mới để đặt các cơ sở sản xuất, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Khi nhắc tới ASEAN thì đương nhiên họ sẽ nhắc đến Việt Nam, một đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, môi trường đầu tư hấp dẫn."
Để phục vụ cho công cuộc phát triển, Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng trở thành thành viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để đóng góp thiết thực cho an ninh khu vực và trên thế giới. Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, đánh giá: "Chúng tôi coi Việt Nam là đối tác chiến lược, kinh tế và chính trị có vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực. Chúng ta có nhiều lợi ích chung, chủ yếu dựa trên nền tảng của việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng ta cũng chia sẻ nhiều lợi ích lớn trên tất cả các khía cạnh từ chính trị đến kinh tế, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục."
Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam (01/2021). |
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam (01/2021), Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại."
Đến khát vọng phát triển
Lịch sử dân tộc Việt Nam là quá trình đấu tranh và gìn giữ độc lập dân tộc. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 luôn nhắc nhở thế hệ mai sau tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có vị thế trên trường quốc tế.
Tiếp nối lịch sử, ngày nay, nhân dân Việt Nam đồng lòng đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với một vị thế và tư thế mới của những người làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Điều này thể hiện rất rõ qua mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đề ra là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng với chiến lược quốc gia tổng thể theo các mốc thời gian trên, các chiến lược thành phần như chiến lược phát triển kinh tế biển, chiến lược năng lượng quốc gia, chiến lược hội nhập quốc tế...cũng được triển khai với mong muốn đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong thời gian tới.
GS. TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhấn mạnh: "Trong chặng đường phát triển sắp tới, đất nước Việt Nam có 2 sự kiện trọng đại: 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. 2 sự kiện này không chỉ là 2 sự kiện bình thường mà phải là 2 dấu mốc đánh dấu sự phát triển bứt phá của đất nước. Chúng ta mong muốn ở 2 cột mốc này chúng ta sẽ tạo ra những phát triển mang tính đột phá, mang tính nhảy vọt. Muốn vậy, phải nuôi dưỡng khát vọng của cả dân tộc vươn lên, ý chí quyết tâm vươn lên mạnh mẽ."
Trước năm 1945, thế giới chỉ biết đến Việt Nam là xứ Đông Dương thuộc Pháp. Đúng 77 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945 – 2/9/2022), khát vọng hòa bình đang tiếp sức cho dân tộc Việt Nam chinh phục những mốc phát triển mới.