Những ngày gần đây, trong các cuộc điện đàm song phương hoặc tại các diễn đàn đa phương, nhiều quốc gia đều bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông. Đây là những cam kết mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, dựa trên luật lệ, trong bối cảnh an ninh khu vực đang có những diễn biến phức tạp.
Phản đối hoạt động gây mất ổn định hoặc đe dọa trật tự quốc tế
Ngày 25/5, tại cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha, hai bên đã xác nhận tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, đồng thời tái khẳng định Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tôn trọng các nguyên tắc được quy định trong Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/9/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, các quan chức Nhật Bản đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Philippines và Australia về các vấn đề trong quan hệ song phương và an toàn, an ninh khu vực. Theo đó, nội dung các cuộc điện đàm này đều nhấn mạnh cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, nhắc lại quan điểm phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như các hành động làm gia tăng căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 21/5 cũng ra tuyên bố chung từ Nhà Trắng, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt. Tuyên bố chung nêu rõ Mỹ và Hàn Quốc phản đối mọi hoạt động phá hoại, gây mất ổn định hoặc đe dọa trật tự quốc tế đã được xây dựng dựa trên luật định, cũng như cam kết duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, tự do và rộng mở. Hai bên cam kết duy trì hòa bình và ổn định, tự do thương mại hợp pháp và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Hợp tác gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực
Những tuyên bố này xuất phát từ động thái gần đây Trung Quốc công bố và thực thi Luật Hải cảnh, khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại và phản đối. Theo luật mới này, lực lượng hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay, trên tàu và trên không để chống lại tàu thuyền nước ngoài và được phép ngăn chặn các quốc gia khác xây dựng các tòa nhà hoặc công trình nổi trên các rạn san hô và đảo mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền.
Cộng đồng quốc tế đã và đang lên tiếng phản bác những quy định và hoạt động sai trái của Trung Quốc. Nhật Bản và Philippines đã gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ, khẳng định luật này gây nguy hiểm cho các hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Mỹ, Anh, Đức và một số quốc gia khác đã đưa tàu vào Biển Đông.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth neo tại Solent, Portsmouth, Anh ngày 5/6/2019 - Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan (thuộc Trung Quốc) và Việt Nam đều lên tiếng phản đối bộ luật mới này, cho rằng việc ra luật này thêm bằng chứng về việc Trung Quốc đẩy mạnh các tuyên bố bất hợp pháp về chủ quyền lãnh thổ. Những hoạt động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trái pháp luật của Trung Quốc sẽ tạo cớ cho các xung đột vũ trang, gây mất ổn định, nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực.
Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, không chỉ có giá trị chiến lược về kinh tế thương mại và quốc phòng-an ninh mà còn có giá trị chiến lược về địa chính trị. Do vậy, giữ gìn hòa bình, ổn định để đem lại lợi ích chung là trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Với ASEAN, lập trường nguyên tắc của khối về vấn đề Biển Đông là luôn thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Lập trường này của ASEAN luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ với những cam kết hợp tác mạnh mẽ, duy trì hòa bình và ổn định chung.