Từ cách mạng tháng Tám mùa thu năm 1945 đến công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Gạch nối qua 77 năm (từ 1945 đến 2022) đã đưa Việt Nam từ một đất nước bị áp bức trở thành quốc gia độc lập, kinh tế - xã hội.

Cuộc cách mạng tháng Tám do nhân dân Việt Nam tiến hành cách đây 77 năm (19/8/1945) đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong hơn 80 năm tại Việt Nam, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ nền tảng đó, nhân dân Việt Nam đã kiên cường bảo vệ nền độc lập, xây dựng, phát triển đất nước có được vị thế trên trường quốc tế ngày hôm nay.

Từ cách mạng tháng Tám mùa thu năm 1945 đến công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam - ảnh 1Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 12/2021). Ảnh: TTXVN

Gạch nối qua 77 năm (từ 1945 đến 2022) đã đưa Việt Nam từ một đất nước bị áp bức trở thành quốc gia độc lập, kinh tế - xã hội, ngoại giao từng bước phát triển, có vị thế rõ ràng trên trường quốc tế và đang tiếp tục hội nhập sâu hơn trong giai đoạn phát triển mới.

Tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ vận mệnh đất nước và có quyền tự do tự chủ. Tuy nhiên tiềm lực kinh tế, quân sự còn yếu, quan hệ quốc tế bị bó hẹp. Trong thời điểm khó khăn đó, Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sử dụng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

Vận dụng bài học về tranh thủ và tận dụng thời cơ của Cách mạng Tháng Tám trong điều kiện hiện nay, Việt Nam xác định toàn cầu hóa là xu thế phát triển tất yếu của thế giới, là cơ hội tốt nhất để đưa đất nước phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Việt Nam ngày nay đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Đối ngoại Đảng, Ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực và đi vào chiều sâu. Trong đó, Đảng có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội có quan hệ với Quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng. Hoạt động đối ngoại của Chính phủ trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội được đẩy mạnh, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị và đan xen lợi ích với các đối tác.

Từ cách mạng tháng Tám mùa thu năm 1945 đến công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam - ảnh 2Ngày 19/8/1945, các lực lượng nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Ảnh Tư liệu. Nguồn: daidoanket.vn

Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 12/2021), Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Việt Nam đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên kết kinh tế sâu rộng. Nếu cách đây 30 năm, Việt Nam mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Việt Nam đã thu hút được hơn 400 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ".

Đóng góp tích cực vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển

Từ một đất nước bị áp bức, nô lệ, sau 77 năm, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.  Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN… Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc ở Châu Phi. Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhờ đó, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Giáo sư. Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang cho rằng: "Không một dân tộc nào trên thế giới bị cai trị, bị đồng hóa ráo riết, có lúc thăng trầm nhưng chưa bao từ bỏ mục tiêu của mình như dân tộc Việt Nam. Trải qua bao khó khăn, Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua và giờ trở thành nước có uy tín trên trường quốc tế. Với những nhân tố đó, nói tới tương lai của dân tộc là nói tới triển vọng sáng lạn về tiền đồ của dân tộc Việt Nam. Đây không còn là khát vọng nữa mà dường như đã nằm trong tay của người Việt Nam".

Vượt qua bao khó khăn trong giai đoạn đầu giành chính quyền của 77 năm trước, ngày nay, Việt Nam hướng đến mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045. Và những giá trị của cách mạng tháng Tám là động lực, là tiền đề để nhân dân Việt Nam bước tiếp trên con đường đã chọn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu