Triển vọng Việt Nam 2018 qua đánh giá của bạn bè quốc tế

Chia sẻ
(VOV5) - Kinh tế phát triển ổn định, chính phủ quyết tâm hành động, cải cách thể chế mạnh mẽ, vai trò và vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày càng tăng. 

Những yếu tố này khiến hầu hết giới chuyên gia, nhà ngoại giao, các nhà đầu tư nước ngoài, đối tác quốc tế đều tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam năm 2018 và những năm tiếp theo.

Triển vọng Việt Nam 2018 qua đánh giá của bạn bè quốc tế - ảnh 1

Năm 2017 được đánh giá là một năm thành công của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ phát triển kinh tế - xã hội cũng như vị thế quốc tế. Theo nhận định của nhiều nhà ngoại giao, nhà đầu tư nước ngoài, năm 2018, Việt Nam đứng trước nhiều vận hội, thời cơ mới, thuận lợi mới để tiếp đà thành công này.

Nền kinh tế năng động trong ASEAN

Hãng tin kinh tế-tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg News cuối năm 2017 có bài viết nhận định Việt Nam đang trở thành hình mẫu phát triển kinh tế của ASEAN. Theo đó, Bloomberg khẳng định Việt Nam là hình mẫu đối với các quốc gia chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, trong đó nổi lên là các ngành dịch vụ, du lịch.

Trong lần đến Việt Nam năm 2017, Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA (Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á) nhận định: “ASEAN đang ngày càng thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới, trong đó Việt Nam là ngôi sao đang lên. Nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới đã có mặt tại Việt Nam.

Triển vọng Việt Nam 2018 qua đánh giá của bạn bè quốc tế - ảnh 2 Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA. -Ảnh: Hùng Cường/VOV 

Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội mà ASEAN mang lại, không chỉ lĩnh vực chế xuất mà cả lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên Việt Nam tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh như thế nào để nắm bắt cơ hội và chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công trong lĩnh vực này.”

 Với đường hướng phát triển rõ ràng được Chính phủ đề ra, Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một một nền kinh tế năng động và phát triển trong khu vực. Bà Rahayu Saraswati, một nghị sĩ Indonesia đến Việt Nam năm 2017 bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam.

Triển vọng Việt Nam 2018 qua đánh giá của bạn bè quốc tế - ảnh 3 Bà Rahayu Saraswati. - Ảnh: Ánh Huyền/VOV

Theo bà Rahayu Saraswati, Việt Nam đang ngày càng chứng minh được tiềm năng phát triển của mình và trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế: “Tôi cho rằng, Việt Nam đã làm được những điều rất tuyệt vời. Đến Việt Nam lần này tôi đã tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các bạn, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đã thu hút được rất nhiều đầu tư. Với môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách mở cửa, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam.”

Nhiều tiềm năng tăng trưởng

Tháng 9/2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, theo đó chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam năm 2017 tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Cũng theo đánh giá của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam đã vận hành tương đối tốt năm 2017 trong bối cảnh có nhiều thách thức và kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan trong năm 2018.

Triển vọng Việt Nam 2018 qua đánh giá của bạn bè quốc tế - ảnh 4

Thành phố Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế năng động của đất nước - Ảnh: Hữu Khoa/tuoitre.vn

Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, cho rằng: “ADB cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể tiếp tục đạt 6,7% năm 2018. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, xuất khẩu dự kiến tăng 10% và Việt Nam được dự báo tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng của khu vực ASEAN trong thời gian tới.”

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam là nước có tăng trưởng bình quân đầu người nhanh nhất thế giới kể từ năm 1990, chỉ sau Trung Quốc. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm tới, Việt Nam chắc chắn sẽ sớm trở thành quốc gia công nghiệp, hiện đại.

Trở thành đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia

Kinh tế ổn định, vị thế quốc tế gia tăng, Việt Nam đang ngày càng trở thành đối tác được nhìn nhận có vai trò.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng nhận định: “Công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam đạt nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,8%, các chỉ tiêu kinh tế đều vượt mục tiêu được xác định đầu năm. Đặc biệt, Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC khiến vị thế, vai trò của Việt Nam trên thế giới không ngừng được nâng cao. Đây quả thực là những thành tựu hết sức ấn tượng. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam dốc sức tăng cường hợp tác, kết nối chiến lược phát triển.”

Doanh nghiệp, xã hội được yên bình, an ninh, an toàn hơn, mọi người dân, nhất là người nghèo, yếu thế phải có cuộc sống tốt hơn về vật chất và tinh thần. Nền kinh tế phải có sức chống chịu cao hơn với biến động lớn.

Khẳng định của người đứng đầu chính phủ Việt Nam trong thông điệp đầu năm 2018 cũng chính sự tin tưởng, đồng hành của bạn bè quốc tế. Với thế mạnh 95 triệu dân, với những thành tựu đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam sẽ tiến những bước vững chắc trên con đường tăng trưởng nhanh và bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu