Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 20/04), đã có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 8,9 tỷ USD. Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu có nhiều xáo trộn như hiện nay, con số này tuy không cao, nhưng vẫn được đánh giá là một tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam vẫn có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: VOV |
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra tại Hà Nội, hôm 22/04 vừa qua, có 3 tập đoàn nước ngoài thông báo về kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Các dự án gồm: sản xuất công nghiệp nặng và logistics của nhà đầu tư Hàn Quốc, vốn dự kiến 1,6 tỷ USD; Sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo của nhà đầu tư CHLB Đức, vốn dự kiến 1,5 tỷ USD; Sản xuất trang thiết bị y tế của nhà đầu tư Nhật Bản, vốn dự kiến 600 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đưa ra các cam kết đầu tư trong bối cảnh Việt Nam được báo chí quốc tế, tổ chức tài chính quốc tế đánh giá là “một trong những nước đứng đầu danh sách thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023”, “điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn”, “điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư”, “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư….
Sức hút của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch thương mại năm ngoái đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD. Ông Hong Sun, Chủ tịch Kocham, cho biết sắp tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Trước mắt, các công ty, như: Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển các nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng. Trong khi đó, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến và Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Có tới 47% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới do nhận thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Còn theo nhận định của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), dù phải đối mặt với một số rào cản, nhưng Việt Nam là một “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực kinh doanh khi có đến hơn 400/1.300 doanh nghiệp châu Âu xếp Việt Nam trong nhóm 5 điểm đến hàng đầu để họ đầu tư kinh doanh.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham - Ảnh: baodautu.vn |
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham, cho biết: "Trong các khảo sát gần đây của EuroCham về chỉ số môi trường kinh doanh, Việt Nam luôn được lựa chọn là top điểm đến hàng đầu cho đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. Lý do là Việt Nam có nhiều tiềm năng, từ vị trí địa lý, độ mở hiệp định thương mại tự do, cho tới sự tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Việt Nam, về nguồn nhân lực và đặc biệt là chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh".
Đáng chú ý, trong tháng 3 vừa qua, đoàn 52 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, trong đó có những tên tuổi lớn, như: Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Meta, Amazon, Apple… đã đến Việt Nam thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh. Theo đánh giá của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam rất có tiềm năng đầu tư trong các ngành: bán dẫn, FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), đồ chơi, nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khoẻ.
Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đề cập một số yếu tố khiến doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư tại Việt Nam: "Thứ nhất là sự tài năng, tinh thần cống hiến, sự cần cù, kiên cường và tinh thần doanh nhân của người Việt Nam. Đó là những đức tính mà người Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới. Thứ hai, đây là quốc gia mà chúng tôi tin tưởng vào đầu tư vì chúng tôi tin rằng có một tương lai vô cùng tươi sáng khi đầu tư tại đây. Chúng tôi đã chứng kiến kết quả của việc đầu tư đó trong nhiều năm qua. Và thứ ba là chính phủ Việt Nam hiện nay đã theo đuổi các chính sách của nền kinh tế mở".
Triển vọng tươi sáng cho kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao bởi sức chống chịu trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Vượt qua khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín nâng mức tín nhiệm quốc gia trong bối cảnh cả thế giới gặp khó khăn, như: Moody’s, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức triển vọng “Ổn định”; Fitch duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở triển vọng “Tích cực”. Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển và có thương hiệu quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022…
Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế cho biết kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn được đánh giá là tích cực. Nhiều định chế quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức cao so với khu vực và toàn cầu trong năm nay. Theo đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO), Ngân hàng Standard Chartered … cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ dao động trong khoảng 5,8 – 6,6%.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, nhận định: "Quan điểm của ADB đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là rất tích cực. Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam trung bình từ 6,5% từ nay đến năm 2030 là điều có thể đạt được. Việt Nam có những lợi thế để đạt được mức tăng trưởng này. Thứ nhất, đó là Việt Nam là một nền kinh tế năng động với 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện nay có thể nói có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế về tiếp cận thị trường thông qua những Hiệp định thương mại tự do (FTA). Lợi thế khác của Việt Nam là cận kề với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới".
Với những tín hiệu khả quan từ tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm căn cứ để sớm đưa ra những quyết định đầu tư tại Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng thu hút FDI vào Việt Nam sẽ “bùng nổ” trong năm nay.