Triển vọng đàm phán hoà bình Palestine và Israel

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc đàm phán hoà bình giữa Palestine và Israel đang dần hiện thực hoá khi trong những ngày qua, 2 bên có những bước đi cụ thể, đầy thiện chí nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho đàm phán. Dư luận quốc tế tuy quan tâm đến những động thái này nhưng cũng e dè về khả năng thành công của cuộc đàm phán sắp tới tại Washington, giữa Palestine và Israel. Điều này là có cơ sở khi giữa 2 bên vẫn còn tồn tại những bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề then chốt.

(VOV5) - Cuộc đàm phán hoà bình giữa Palestine và Israel đang dần hiện thực hoá khi trong những ngày qua, 2 bên có những bước đi cụ thể, đầy thiện chí nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho đàm phán. Dư luận quốc tế tuy quan tâm đến những động thái này nhưng cũng e dè về khả năng thành công của cuộc đàm phán sắp tới tại Washington, giữa Palestine và Israel. Điều này là có cơ sở khi giữa 2 bên vẫn còn tồn tại những bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề then chốt.


Triển vọng đàm phán hoà bình Palestine và Israel - ảnh 1
Ảnh: TTXVN

Trong các cuộc thương lượng sơ bộ diễn ra tại Washington, Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni và Cố vấn thủ tướng Yakov Molcho sẽ đại diện cho Israel, trong khi đại diện bên phía Palestine là nhà đàm phán cấp cao Saeb Erekat. Israel và Palestine cũng đã chấp nhận cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk, làm trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới tại thủ đô Washington, Mỹ. Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc đạt được một hiệp ước hòa bình tạm thời để thành lập một Nhà nước Palestine tại những khu vực rộng lớn của Bờ Tây sau khi Israel rút đi, nhưng không quyết định về các đường biên giới cuối cùng. Những khu vực này sẽ cần có sự đồng thuận cho những sắp xếp an ninh ba bên (Mỹ-Israel-Palestine), cũng như loại bỏ một số khu định cư Do Thái.

Trước thềm đàm phán, một bước đi được đánh giá là thiện chí của Israel khi ngày 22/7, một quan chức nước này cho biết Israel sẽ trả tự do cho khoảng 80 tù nhân Palestine đang chịu án tù dài hạn. Việc thả các tù nhân sẽ diễn ra khi cuộc đàm phán bắt đầu và sẽ được chia theo từng giai đoạn. Lãnh đạo cao cấp của Israel cũng đưa ra những đánh giá tích cực khi đàm phán chưa bắt đầu. Tổng thống Shimon Peres nhấn mạnh rằng việc nối lại đàm phán giữa Israel và Palestine là cơ hội tuyệt vời cho cả hai bên. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì khẳng định việc nối lại đàm phán với Palestine là lợi ích sống còn của Israel và cho biết Israel bước vào đàm phán một cách toàn diện, trung thực.

Cộng đồng quốc tế cũng phát đi những tuyên bố tích cực về việc Palestine và Israel nối lại đàm phán. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói rằng các nhà lãnh đạo của Israel và Palestine cần thể hiện lòng can đảm và trách nhiệm để duy trì các cuộc đàm phán hòa bình mới được nối lại. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton cho rằng cuối cùng đã có thể nhìn thấy tiến triển hướng tới các mục tiêu: hòa bình, an ninh và phẩm giá cho người dân của Israel và Palestine. Bộ Ngoại giao Nga tin tưởng trong cuộc gặp giữa phái bộ đàm phán Israel và Palestine sắp tới, hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận về việc xúc tiến hòa bình tại Trung Đông.

Tuyên bố có chiều khả quan là vậy nhưng các bên đều hiểu rất rõ rằng đồng ý nối lại đàm phán là một chuyện, kết quả đàm phán lại là chuyện hoàn toàn khác. Điều này là hiển nhiên vì giữa Palestine và Israel bấy lâu nay vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc. Ngay cả  Tổng thống Israel Shimon Peres cũng phải thừa nhận các cuộc thương lượng sẽ khó khăn. Điều này được minh chứng ngay lập tức khi các quan chức Palestine cho biết họ vẫn giữ yêu cầu then chốt là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải chấp nhận coi đường biên giới có từ trước năm 1967 là điểm khởi đầu để vạch ra đường biên giới cho Nhà nước Palestine trong tương lai. Trong khi đó, các đồng minh cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cương quyết rằng Israel sẽ không thay đổi. Thậm chí, Thứ trưởng Quốc phòng Danny Danon tuyên bố rằng thật sai lầm nếu tham gia các cuộc đàm phán dựa trên những yêu cầu của Palestine.

Kết quả của đàm phán cũng sẽ gặp khó khăn khi đại diện phong trào Hồi giáo Hamas đang cai quản Dải Gaza cho rằng việc quay trở lại đàm phán của chính quyền Palestine với những kẻ chiếm đóng là đi ngược với sự đồng thuận dân tộc. Thậm chí, phong trào Hồi giáo Hamas còn tuyên bố Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không có quyền hợp pháp để thương lượng thay cho người dân Palestine.

Việc đạt được thỏa thuận nối lại đàm phán giữa Israel và Palestine vốn bị ngưng trệ từ tháng 9/2010 được đánh giá là cơ hội quý trong việc khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, để tận dụng thành công cơ hội này đòi hỏi các bên phải cùng chấp nhận nhượng bộ then chốt về các bất đồng cố hữu. Khả năng này xem ra khó xảy ra và nếu vậy, Trung Đông sẽ vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy xung đột, bất ổn./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu