Triển khai Hiến pháp 2013: Ưu tiên ban hành các luật về quyền con người

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Quyền con người, quyền công dân là một trong hai lĩnh vực được ưu tiên để Quốc hội quan tâm ban hành các luật, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, ngày 9/3.  

(VOV5) - Quyền con người, quyền công dân là một trong hai lĩnh vực được ưu tiên để Quốc hội quan tâm ban hành các luật, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, ngày 9/3.  

Việc Quốc hội thông qua bản Hiến pháp 2013 ngày 28/11/2013 là một bước tiến lớn trong nhận thức và tư duy lý luận của Việt nam về vị trí và vai trò của Hiến pháp trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với giá trị chung của nhân loại về Hiến pháp, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thời đại.

Quyền con người, quyền công dân là lĩnh vực được ưu tiên để ban hành luật

Sau khi thông qua Hiến pháp 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thi hành Hiến pháp. Căn cứ Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch thực hiện Hiến pháp và Chính phủ cũng ban hành kế hoạch để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những danh mục dự án luật rất rõ ràng, quy định thời gian cụ thể cho quá trình tổ chức thực hiện sắp tới. Đặc biệt là xác định quyền con người, quyền công dân là một trong hai lĩnh vực được ưu tiên để Quốc hội quan tâm ban hành các luật. Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Theo chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ, có nhiều đạo luật sắp tới cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để cụ thể hóa trực tiếp những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Trong đó có các văn bản thuộc lĩnh vực quyền dân sự chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Hiện nay, tất cả những văn bản này đang được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tới đây Quốc hội họp sẽ thông qua chương trình xây dựng pháp luật của năm 2015. Về cơ bản những luật, bộ luật về quyền con người, quyền công dân sẽ được Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2015, 2016, có những vấn đề trong năm 2014 đã được thực hiện.”


Triển khai Hiến pháp 2013: Ưu tiên ban hành các luật về quyền con người   - ảnh 1
Bộ trường Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời Chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời


Song song với tiến độ ban hành Luật, chất lượng soạn thảo những văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân được chú trọng. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm: “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp phải đứng ra rà soát tất cả những việc này để có thể đôn đốc thực hiện cho tốt các luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Thậm chí Thủ tướng còn yêu cầu phải thành lập một hội đồng tư vấn để thẩm định, xem xét tất cả những luật được ban hành ra trên tinh thần, nội dung của Hiến pháp.

Bảo đảm quyền bào chữa, quyền tự bảo vệ của người dân trong quá trình tố tụng

Theo Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, đây cũng là một trong những điểm rất quan trọng được sửa đổi bổ sung và là quy định rất sâu sắc về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bản Hiến pháp 2013: “Trong Hiến pháp 2013 lần đầu tiên khẳng định tòa án xét xử phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, có nghĩa là phải có người bào chữa, phải có luật sư. Thứ hai là mở rộng phạm vi đối tượng được quyền được mời luật sư bào chữa. Trước đây theo quy định của Hiến pháp, người dân có quyền mời luật sư khi bị khởi tố, bị can và bị cáo. Còn Hiến pháp hiện hành đã bổ sung là người bị bắt, kể cả bắt quả tang, người bị giữ, tạm giữ, người bị tam giam, người bị điều tra đều có quyền tự mình bào chữa hoặc mời luật sư bào chữa cho mình, để tránh oan sai. Hiến pháp lần này cũng làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội. Trước đây, quy định rằng người ta không có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội người đó, bây giờ thêm 1 điều kiện rất quan trọng đó là việc buộc tội đó phải được chứng minh thì mới có bản án”.

Một điểm nữa cũng không kém phần quan trọng mà Quốc hội rất quan tâm, yêu cầu người bị xét xử phải được tòa án xét xử đúng trình tự và đúng thời hạn luật định. Tất cả những điều đó đều là những quy định chặt chẽ, để cho những bộ luật, đạo luật sắp tới  có những quy định cụ thể bảo vệ cho những người chẳng may rơi vào vòng lao lý, khắc phục được những oan sai trong quá trình tố tụng.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII  thông qua Hiến pháp 2013 đã mở ra một không gian rộng lớn trong việc và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việc cụ thể hoá các Hiến định tiến bộ này góp phần quan trọng để phát huy hơn nữa tính dân chủ trong xã hội./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu