Triển khai đồng bộ, toàn diện chính sách với người có công với cách mạng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -70 năm qua (1947 - 2017), công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt những thành tựu quan trọng. Việt Nam đã xây dựng được hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thống nhất, phát triển sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa,góp phần khẳng định sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những người đã cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Ngày 27/7/2017, Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ, sự kiện tôn vinh các anh hùng,liệt sĩ, thương binh và người có công đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. 

 Tính đến năm 2017, Việt Nam xác nhận trên 9 triệu lượt người có công gồm Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Hoàn thiện hệ thống chính sách

Từ khi Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt ra “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, Việt nam đã xây dựng và thực hiện thống nhất trong cả nước một hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hệ thống các văn bản này tương đối toàn diện, bao phủ hầu hết các đối tượng, nhờ vậy tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Triển khai đồng bộ, toàn diện chính sách với người có công với cách mạng - ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh kỉ niệm cùng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kịch.

Với các chính sách mới, hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. Mới đây nhất, ngày 19/7, Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã ký, ban hành Chỉ thị 14 của Ban Bí thư yêu cầu các cấp, ngành xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành. Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Nghiên cứu, thực hiện chính với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3.... Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hộiDoãn Mậu Diệp cho biết: "Chỉ thị mới về công tác người có công với cách mạng phấn đấu đến 2020 ,100% gia đình người có công đều có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Việc tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh tại các tỉnh được đẩy mạnh để giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh".

Phong trào Đền ơn đáp nghĩa phát triển sâu rộng

 Cùng với hệ thống chính sách của Nhà nước, phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng thời gian qua phát triển rất mạnh mẽ. 10 năm trở lại đây (2007 đến 2017), người dân Việt Nam đã đóng góp gần 3500 tỷ đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; xây dựng và sửa chữa gần 165 nghìn nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa. 100% các mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá: "Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công thời gian qua đã trở thành tình cảm , trách  nhiệm của toàn xã hội, là những nội dung quan trọng trong các diễn đàn, đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân tộc và đã trở thành công việc thường xuyên, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, góp phần chăm sóc người có công với nước và cũng là góp phần xóa đói giảm nghèo trong đời sống các gia đình chính sách. Những phong trào đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cọng đồng dân cư góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công".

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng công trình tưởng niệm liệt sĩ được chú trọng. Nhà nước đã đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, xây dựng xong phần mềm tích hợp cung cấp dữ liệu tìm kiếm thông tin về liệt sỹ. Đây là cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay, giúp cơ quan chức năng thu nhận các thông tin về liệt sỹ từ nhân dân và cung cấp đến người dân những thông tin về liệt sỹ thông qua internet. Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: "Đã xây dựng trang thông tin tìm kiếm liệt sỹ dựa trên việc tích hợp cơ sở dữ liệu của Bộ lao động, thương binh và xã hội và Bộ quốc phòng để cung cấp cho cơ quan chức năng thông qua công cụ tìm kiếm duy nhất để có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin nhất về liệt sỹ.  Chúng tôi sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, cung cấp chức năng tương tác với người dùng và giúp thu thập thêm thông tin từ người dân".

Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách quan trọng mà Đảng và Nhà nước Việt Nam tập trung thực hiện. Những thành quả đạt được qua việc thực hiện chính sách với người có công trong hàng chục năm qua là biểu hiện cụ thể nhất cho sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu