Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) Đỗ Tiến Sỹ đã điểm lại những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời, có những đánh giá, nhận xét, nhận định sâu sắc về xu thế phát triển của báo chí cũng như yêu cầu, trách nhiệm xã hội của người làm báo trong giai đoạn hiện nay – giai đoạn bùng nổ công nghệ và thông tin.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đại biểu Quốc hội khóa XV - Ảnh: VOV |
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ khẳng định, trong suốt chặng đường vẻ vang 97 năm qua, báo chí Cách mạng Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò định hướng dư luận, phản ánh sinh động các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí Cách mạng Việt Nam càng phải thể hiện tốt hơn trách nhiệm đối với xã hội và phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.
Trách nhiệm xã hội to lớn của báo chí và nhà báo
Muốn vậy, nhà báo cần làm ra những sản phẩm báo chí bằng cái tâm và cái tầm của mình, có ý nghĩa đối với cuộc sống, phản ánh các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội theo cách làm cho cuộc sống và xã hội tốt đẹp lên. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ thông tin của thời đại 4.0, trách nhiệm xã hội của nhà báo càng tăng lên. Theo đó, nhà báo không chỉ có trách nhiệm đưa tin nhanh chóng, kịp thời, mà còn là thông tin một cách chính xác, có kiểm chứng, có định hướng rõ ràng.
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: “Ngày nay, công chúng tiếp cận thông tin ở nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có rất nhiều nguồn tin giả, được tạo ra một cách có dụng ý, như để chia rẽ, để tạo ra sự hiểu lầm, hoặc đôi khi chỉ vì những lợi ích riêng. Vì vậy, trách nhiệm của nhà báo là bằng kỹ năng, khả năng tiếp cận thông tin của mình, cung cấp những thông tin chính xác, minh bạch và khách quan để công chúng có được cái nhìn chuẩn xác hơn. Tại Đài TNVN, chúng tôi nhận thức rằng, trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo ở Đài TNVN còn là trách nhiệm trước những phát ngôn trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã bổ sung, chỉnh sửa Bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội cho toàn bộ cán bộ nhân viên của Đài. Bởi chúng tôi ý thức rất rõ, tiếng nói của nhà báo có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng”.
Chuyển đổi số, xu hướng phát triển tất yếu của báo chí
Về xu thế phát triển của báo chí, Tổng Giám đốc Đài TNVN khẳng định, chuyển đổi số là tất yếu, là lựa chọn không thể khác được của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung.
Tại Đài TNVN, vấn đề chuyển đổi số đã và đang được đặc biệt quan tâm thúc đẩy. Với vị thế là cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện và đa ngôn ngữ chủ lực, Đài TNVN đang phấn đấu phát triển nhanh và toàn diện hơn. Trong đó, Đài TNVN xác định, cùng với việc lựa chọn công nghệ phù hợp, đầu tư kinh phí để xây dựng trang thiết bị hiệu quả, thì yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi số ở Đài TNVN chính là con người. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là đưa hết các tác phẩm báo chí lên mạng, mà còn cần phải thay đổi phương thức tác nghiệp, tư duy đề tài, tiếp cận công chúng.
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ khẳng định: “Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài đang phải sẵn sàng chuyển đổi phương thức làm việc. Tận dụng công nghệ để tác nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn; tối ưu nguồn nhân lực. Một phóng viên giờ đây không chỉ làm nhiệm vụ viết tin, họ phải có nhiều kỹ năng khác như kỹ năng sản xuất bằng nhiều loại phương tiện, kỹ năng truyền tin trực tiếp từ hiện trường, kỹ năng phân phối nội dung trên nền tảng số, kỹ năng phối hợp giữa các đơn vị làm tin để có tin tổng hợp… Có thể khẳng định rằng, sự đổi mới công nghệ, máy móc sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu phóng viên, biên tập viên không biết sử dụng và không sẵn sàng để học hỏi, cập nhật công nghệ mới”.
Tổng Giám đốc Đài TNVN Đỗ Tiến Sỹ nhận định, dù công nghệ có phát triển đến đâu, AI (trí tuệ nhân tạo) có thông minh đến đâu, có thể giúp nhà báo hiểu rõ công chúng đến đâu, thì điều cốt lõi nhất vẫn là con người, là những nhà báo đang có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống, với đạo đức nghề nghiệp trong sáng, với trách nhiệm xã hội cao cả của mình. Họ chính là những người dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, hướng con người đến vẻ đẹp chân – thiện – mỹ.