Tôn trọng và thực thi các cam kết và UNCLOS 1982 góp phần giảm bớt nguy cơ căng thẳng ở Biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tại trụ sở Thượng viện Pháp ở thủ đô Paris mới đây diễn ra Hội thảo về Biển Đông, do Viện nghiên cứu Địa chính trị Ứng dụng (EGA) chủ trì tổ chức.

Hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của giới chức Pháp, các chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, chiến lược quân sự, chính sách quốc phòng. Hội thảo một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực thi các cam kết theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tôn trọng và thực thi các cam kết và UNCLOS 1982 góp phần giảm bớt nguy cơ căng thẳng ở Biển Đông - ảnh 1Nhiều đại biểu là chuyên gia, chính trị gia đã tham dự hội thảo về Biển Đông ngày tại trụ sở Thượng viện Pháp, ngày 26/5. Ảnh: TTXVN

Theo nhà tổ chức Hội thảo, Biển Đông là khu vực luôn tiềm ẩn những nguy cơ, dễ trở thành điểm nóng của thế giới hiện nay. Bởi vậy, các nước, trong đó có Pháp, cũng cần nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của khu vực và những nguy cơ, thách thức đang đặt ra. Hội thảo không có tham vọng giải quyết được vấn đề, nhưng qua đó muốn cung cấp thêm các thông tin về luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, góp phần làm giảm bớt nguy cơ căng thẳng trên Biển Đông.

Nhận diện những thách thức ở Biển Đông

Với chủ đề “Biển Đông: Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu”, hội thảo đã đề cập đến 4 khía cạnh cụ thể, gồm: Không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới ánh sáng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; Biển Đông - Tâm điểm vấn đề an ninh; Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Biến đổi khí hậu cũng là một nhân tố khủng hoảng; Một sân khấu chính trị khu vực đa dạng và vai trò của Pháp. Các ý kiến tại hội thảo đã mang đến những thông tin cập nhật, khách quan, cảnh báo dư luận quốc tế về những diễn biến tiêu cực có thể xảy ra trên Biển Đông. Đồng thời, các tham luận cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, sự cần thiết phải tôn trọng và thực thi UNCLOS 1982, cam kết của các nước trong khu vực như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002.

Các ý kiến cũng kêu gọi Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và thế giới phát huy vai trò vào việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng UNCLOS 1982 và mở rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đối với khu vực.

UNCLOS 1982-cơ sở pháp lý quan trọng để gìn giữ ổn định ở Biển Đông

Sự ra đời của UNCLOS 1982 đã tạo nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển, bởi công ước này quy định rất rõ ràng, cụ thể về những nguyên tắc chung và những nội dung chi tiết để giải quyết các tranh chấp trên biển.

Thông qua UNCLOS 1982, nhiều cơ chế riêng biệt về giải quyết tranh chấp trên biển cũng được thiết lập, như: Ủy ban hòa giải, trọng tài, đặc biệt là Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS). Trên cơ sở UNCLOS 1982, lần đầu tiên, cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc thông qua hòa giải và trọng tài đã được thông qua và áp dụng trên thực tế. Các cơ chế này đã góp phần duy trì việc tuân thủ những quy định của UNCLOS 1982 trên các vùng biển, đồng thời tạo cơ sở để các quốc gia giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Tôn trọng và thực thi các cam kết và UNCLOS 1982 góp phần giảm bớt nguy cơ căng thẳng ở Biển Đông - ảnh 2Việt Nam thể hiện quan điểm linh hoạt trong áp dụng lý thuyết về đường ranh giới biển duy nhất. Ảnh minh họa: baoquocte.vn

Theo cơ chế của UNCLOS 1982, một quốc gia thành viên UNCLOS có quyền lựa chọn một hay nhiều cơ chế để giải quyết tranh chấp, như ITLOS, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), một tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII hoặc Phụ lục VIII của Công ước. Đơn cử như ITLOS là cơ quan giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982 có quyền tài phán bao gồm tất cả tranh chấp liên quan tới cách diễn giải và áp dụng Công ước. Thực tế, kể từ khi UNCLOS 1982 ra đời, ITLOS đã giải quyết khoảng 30 vụ việc tranh chấp từ đánh cá, bảo vệ môi trường biển, đến phân định ranh giới trên biển. ICJ đã thụ lý khoảng 20 vụ việc, trong khi tòa trọng tài đươc thành lập theo phụ lục VII đã giải quyết hơn 10 vụ.

Với thực tiễn áp dụng như vậy, UNCLOS 1982 đã trở thành luật tập quán quốc tế và điều này cũng giúp các quốc gia chưa phê duyệt UNCLOS 1982 có thể viện dẫn sử dụng cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách biển của quốc gia cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng.

Có thể khẳng định cho đến thời điểm này, UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý duy nhất cho tất cả hoạt động trên biển của các quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, Công ước thường xuyên được viện dẫn và áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nhiều điểm nóng về tranh chấp trên biển như Biển Đông hay Biển Hoa Đông.

Đúng như chủ đề của Hội thảo “Biển Đông: Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu”, Biển Đông ngày càng khẳng định không chỉ là ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực mà còn là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Hội thảo một lần nữa làm sáng tỏ và khẳng định hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Biển Đông đòi hỏi sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng các quốc gia trong khu vực, trong đó tôn trọng và tuân thủ UNCLOS 1982 là điều kiện tiên quyết.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu