Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn căng thẳng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong tháng 4, CHDCND Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa.

(VOV5) - Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong tháng 4, CHDCND Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đồng nghĩa với việc chưa thể tái lập cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo này.    

                                                                  

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn căng thẳng - ảnh 1
Hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm được hãng thông tấn Triều Tiên công bố ngày 24/4. (Ảnh: KCNA)


Ngày 1/4, CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông. Động thái này diễn ra vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa. Ngày 15/4, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa Musudan, có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ như đảo Guam và Alaska. Quân đội Hàn Quốc cho rằng vụ phóng thử này thất bại song đây là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Musudan di động.


Củng cố sức mạnh hạt nhân


Sau 2 vụ phóng trên, ngày 24/4, CHDCND Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, là một “thành công vĩ đại”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un ca ngợi các quan chức, nhà khoa học và kỹ thuật viên đồng thời kêu gọi họ thúc đẩy dự án này nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân để có thể tấn công các mục tiêu ở Mỹ-Hàn vào bất kỳ thời điểm nào mà họ muốn. Trước động thái trên, ông Jeffrey Lewis, công tác tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middleburry, bang California (Mỹ) cho rằng nếu điều này là thật, đây có thể là một bước tiến lớn của CHDCND Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa phóng từ tàu ngầm và là một “bước nhảy vọt trong tham vọng” của quốc gia này. Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt hành động gần đây của Bình Nhưỡng để thể hiện sức mạnh quân sự. Hiện có không ít lo ngại về khả năng CHDCND Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trong tương lai gần khi lực lượng quân sự Mỹ và Hàn Quốc đã chụp được những di chuyển bất thường tại cơ sở hạt nhân Punggye –ri của CHDCND Triều Tiên hồi tuần trước. Ngoài ra có bằng chứng cho thấy quân đội CHDCND Triều Tiên đã chặn các đường tại Kilju, phía bắc tỉnh Hamgyong, nơi có nhiều căn cứ quân sự. Việc chặn đường tương tự đã diễn ra khi nước này tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ 4 hồi đầu năm nay.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn căng thẳng - ảnh 2
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: AP)


Trước những diễn biến trên, Tổng thống Mỹ Barak Obama phải cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng từ việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm vũ khí. Ông cho rằng tuy thất bại trong hầu hết các vụ thử này song kinh nghiệm và kiến thức mới là điều Bình Nhưỡng có được. Mỹ và đồng minh phải ý thức một cách nghiêm túc vấn đề này.

Đối đầu thay vì thỏa hiệp  

 Trong tuyên bố mới nhất, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Thae Song khẳng định rõ Bình Nhưỡng không có kế hoạch ngừng các vụ thử hạt nhân kể cả khi Mỹ ngừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc. Trong khi đó, giới phân tích lại cho rằng các vụ phóng tên lửa là một phần nỗ lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm củng cố vị thế trước thềm Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5 tới, một sự kiện được đánh giá là bất thường bởi chưa từng diễn ra trong suốt 36 năm qua. Nhiều người cho rằng ông Kim Jong-un sẽ nhân sự kiện này để chính thức tuyên bố CHDCND Triều Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân và tiềm lực quân sự.


Những động thái của CHDCND Triều Tiên đã buộc Hàn Quốc phải giữ nguyên mức độ báo động vì lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 vào bất kỳ lúc nào. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cảnh báo rằng nếu Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích như vậy thì sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và sức ép mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã điều động quân đến khu vực biên giới với CHDCND Triều Tiên. Hoa Kỳ thì đang tích cực tăng cường khả năng phòng vệ. Tổng thống Mỹ Barak Obama nhấn mạnh Washington dành nhiều thời gian để bố trí các hệ thống phóng tên lửa cũng như thiết lập một "lá chắn" để có thể ngăn chặn những mối đe dọa ở mức độ tương đối thấp từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận "không có giải pháp dễ dàng nào" cho mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định con đường mà CHDCND Triều Tiên phải lựa chọn để hòa nhập với cộng đồng quốc tế chỉ có một, đó là cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tuân thủ những bổn phận quốc tế của mình. Cùng với động thái này, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản yêu cầu LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt mới, nếu CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 5. Nghị quyết mới gồm các nội dung cứng rắn hơn như cấm các nước xuất khẩu dầu thô sang CHDCND Triều Tiên cũng như ngăn chặn máy bay của Hãng hàng không quốc gia Triều Tiên (Air Koryo) bay qua không phận các nước. Tại châu Âu, Pháp đã kêu gọi EU thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng.


Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc năm 1945. Đến nay, về lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh. Việc CHDCND Triều Tiên không ngừng gia tăng các vụ phóng tên lửa trong thời gian gần đây rõ ràng không thể đem lại hòa bình cho bán đảo mà chỉ khiến tình hình trở nên bất ổn hơn.  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu