Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân: Nóng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4 khai mạc hôm nay (31/3) tại thủ đô Washington (Mỹ). 

(VOV5) Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4 khai mạc hôm nay (31/3) tại thủ đô Washington (Mỹ).


Diễn ra trong 2 ngày, Hội nghị có sự tham dự của khoảng 50 nhà lãnh đạo trên thế giới bàn về việc bảo đảm an toàn cho các vật liệu hạt nhân ở khoảng 1.000 cơ sở nguyên tử trên thế giới. Song, chủ đề nóng nhất của Hội nghị năm nay là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang ở khu vực này.


Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân: Nóng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân được tổ chức 2 năm một lần với sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Hội nghị đóng vai trò quan trọng với mục tiêu thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo an ninh vật liệu hạt nhân và ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, đây cũng là diễn đàn chứng kiến nhiều bất đồng giữa các cường quốc xoay quanh cách thức xử lý nguyên liệu hạt nhân. Bên cạnh các vấn đề như chống khủng bố, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân năm nay tập trung vào vấn đề đang gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.


Căng thẳng gia tăng trước thềm Hội nghị

Trước thềm Hội nghị, CHDCND Triều Tiên lên tiếng yêu cầu hủy Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, đồng thời tuyên bố sẽ kiên định phát triển lực lượng hạt nhân nếu Mỹ không rút lại chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng. Theo tuyên bố chính thức của CHDCND Triều Tiên đăng tải trên Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), hội nghị 2 năm/lần này chẳng qua là nhằm tìm mọi cách ngăn cản CHDCND Triều Tiên tăng cường khả năng răn đe hạt nhân vì mục đích phòng vệ và Mỹ không nên lãng phí thời gian vào việc tổ chức một cuộc bàn tán vô ích nhằm chống CHDCND Triều Tiên mà nên tìm kiếm giải pháp thực tế như rút lại chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng. Cũng theo KCNA, Mỹ và Hàn Quốc sẽ lợi dụng hội nghị thượng đỉnh này như một công cụ để tăng cường các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, bới móc khuyết điểm để phê phán quyền tiếp cận hợp pháp các vũ khí hạt nhân của nước này.

Để chứng minh cho những tuyên bố cứng rắn của mình, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm ngắn, bay khoảng 200km từ khu nghỉ dưỡng Wonsan ra biển phía Đông nước này. Vụ bắn tên lửa này tiếp nối hàng loạt các hành động mang tính khiêu khích gần đây của Bình Nhưỡng. Cùng với việc phóng thử tên lửa này, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẵn sàng thực hiện một "cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu" để ngăn ngừa các mối đe dọa từ Mỹ và các đồng minh. 

Tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang từ sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân vào ngày 6/1 và phóng thử tên lửa tầm xa hồi tháng 2. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có phản ứng cứng rắn thông qua việc ban hành các cấm vận mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với CHDCND Triều Tiên. Mỹ, Hàn Quốc cũng siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt. Ngày 29/3, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc gặp trao đổi về các chính sách đối với Bình Nhưỡng, xúc tiến hợp tác an ninh ba bên trong khu vực và toàn cầu. Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trước đây vốn lạnh nhạt vì các vấn đề lịch sử. Nhưng, trong bối cảnh đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên ngày càng gia tăng khi nước này thực hiện các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân lần thứ 4, buộc hai nước phải “bắt tay nhau” cùng tìm cách tăng cường hợp tác quân sự. Lâu nay, Mỹ luôn hy vọng và khuyến khích hai đồng minh thân cận tại châu Á này ngồi lại với nhau, hóa giải hận thù và thắt chặt quan hệ hơn để tạo thế kiềng ba chân vững chắc đối phó với CHDCND Triều Tiên, củng cố chiến lược xoay trục hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tìm sự đồng thuận cho vấn đề nóng của quốc tế

Căng thẳng quân sự đang leo thang chóng mặt trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều tuần trở lại đây khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un liên tiếp tung ra những động thái quân sự đầy khiêu khích. Sau hai vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa liên tiếp hồi tháng 1 và tháng 2 vừa rồi, Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện các vụ phóng hàng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Cùng với đó, CHDCND Triều Tiên còn gần như hàng ngày tung ra những lời đe doạ sắc lạnh nhất về việc sẽ thẳng tay thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ, Hàn Quốc cũng như tiếp tục thực hiện các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa mới để khiêu khích đối thủ. Sự thách thức của Bình Nhưỡng đã vấp phải phản ứng cứng rắn và quyết liệt của nước láng giềng Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ. Seoul và Washington đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay nhằm vào Bình Nhưỡng đồng thời răn đe nước này bằng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất từ trước đến nay. 

Tất cả những diễn biến leo thang mỗi lúc một nghiêm trọng trên khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại về khả năng mọi thứ vượt qua khỏi tầm kiểm soát. Trong bối cảnh đó, chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chắc chắn là một chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần này, dưới vai trò chủ tọa của Hoa Kỳ. Dư luận hy vọng dù chưa thể kéo CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán nhưng có thể các bên sẽ đạt được sự đồng thuận về cách thức hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu