(VOV5) – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được tổ chức Tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là "di sản văn hóa thế giới" vào ngày 6/12/2012.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, biểu hiển rõ nét nhất trong ngày Giỗ tổ được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Nghi lễ truyền thống được tổ chức tại khu di tích Đền Hùng, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là dịp để hơn 93 triệu người Việt Nam ở trong nước và 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cùng hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng.
|
Đoàn rước trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, Phú Thọ. Ảnh: TTXVN |
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày mọi người Việt Nam dù đang sống ở đâu đều hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày này, người dân cả nước tham gia vào các hoạt động thể hiện lòng thành kính, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân, giữ nước.
Độc đáo tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Lễ hội Giỗ tổ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam. Trong lễ hội Giỗ tổ, nhân dân tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu cơ và tổ chức các hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, liên hoan dân ca và hát xoan Phú Thọ…
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được tổ chức Tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là "di sản văn hóa thế giới" vào ngày 6/12/2012. Trong hồ sơ công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới, UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính với các bậc tổ tiên và từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng. Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Khắc Thuần cho biết: “Trên thế giới Việt Nam là quốc gia đặc biệt, có cộng động 54 dân tộc khác nhau, nhưng cả 54 dân tộc đều có chung một vị tổ tôn kính Hùng Vương, được coi đã có công khai thiên lập địa, mở ra quốc gia thống nhất Việt Nam. Người Việt Nam luôn tự hào có chung nguồn gốc với Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra 100 người con, 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển mà hình thành các dân tộc Việt”.
Tín ngưỡng Hùng Vương gắn kết cộng đồng
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn - tri ân công đức các Vua Hùng, những người có công dựng nước. Hiện tại, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có hơn 1.400 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan tới thời đại Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đang càng ngày càng thấm sâu vào ý thức hệ tư tưởng của người dân Việt Nam, khơi dậy sự gắn bó, đoàn kết người Việt. Vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nghi lễ giỗ tổ không chỉ được tổ chức trọng thể trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mà còn diễn ra ở các Đền thờ Vua Hùng ở các địa phương trong cả nước. Nhân dân ở các vùng miền thường trảy hội để dâng hương, tham gia các hoạt động lễ hội ở Đền Hùng (Phú Thọ). Anh Nguyễn Văn Phong, du khách, bày tỏ: “Tôi ở Hải Phòng. Tôi đến Đền Hùng 2 lần rồi. Tôi đến đây để hướng về cội nguồn, ôn lại lịch sử, nguồn gốc dân tộc”.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ ở Việt Nam. Đây không chỉ là dịp thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mà còn củng cố tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng trong lòng mỗi người dân nước Việt.