Tiêu huỷ kho vũ khí hoá học tại Syria : Nhiệm vụ không đơn giản

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng sẽ phải cần tới 100 chuyên gia nước ngoài tới tham gia hoạt động thanh sát và giải trừ vũ khí hóa học ở Syria đồng thời cảnh báo các thanh sát viên về những mối nguy hiểm chưa từng có mà họ có thể đối mặt ở quốc gia Trung Đông này.

                    

(VOV5) - Kho vũ khí hoá học ước tính lên tới 1 nghìn tấn ở Syria bắt đầu được tiêu huỷ bởi các chuyên gia giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc và của Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW). Nhiều đánh giá tích cực đã được đưa ra về tiến độ của công việc tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định quá trình tiêu huỷ sẽ suôn sẻ trong bối cảnh Syria vẫn đang chìm trong nội chiến.


Tiêu huỷ kho vũ khí hoá học tại Syria : Nhiệm vụ không đơn giản - ảnh 1
phu-nu-nguoi-kurd-syria. Ảnh:giaoduc.net.vn.jpg

    

Nguy hiểm rình rập  

 (VOV5) - Nhóm chuyên gia đầu tiên của OPCW đã có mặt tại Syria từ ngày 1/10 tuy nhiên phải 1 tuần sau đó, việc tiêu hủy những vũ khí đầu tiên mới được bắt đầu vì cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho quá trình tiêu hủy. Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu từng thừa nhận việc tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria là quá trình lâu dài và khó khăn bởi theo đánh giá, Syria hiện có hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học, trong đó có cả khí độc sarin, khí ngạt iperit và nhiều loại chất độc hóa học bị cấm sử dụng khác. Số vũ khí hoá học này được cất giữ tại 45 địa điểm nằm rải rác trên khắp đất nước. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên trong lịch sử OPCW, các chuyên gia của tổ chức này phải thực hiện nhiệm vụ tại một quốc gia đang trong tình trạng nội chiến kéo dài. Trước đó, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho biết 7 trong số các khu vũ khí hóa học nằm trong vùng chiến sự. Trong một báo cáo gửi Hội đồng Bảo an LHQ ngày 7/10, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng sẽ phải cần tới 100 chuyên gia nước ngoài tới tham gia hoạt động thanh sát và giải trừ vũ khí hóa học ở Syria đồng thời cảnh báo các thanh sát viên về những mối nguy hiểm chưa từng có mà họ có thể đối mặt ở quốc gia Trung Đông này.

Một ngày sau cảnh báo trên, lực lượng nổi dậy ở Syria đã mở chiến dịch tấn công nhằm vào hai căn cứ quân sự của quân chính phủ tại tỉnh Idlib, Tây Bắc đất nước. Chiến dịch tấn công mới nhất này của phe nổi dậy càng dấy lên những quan ngại về đe dọa tiềm ẩn đối với phái đoàn thanh sát viên Liên hợp quốc và OPCW trong quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Khởi đầu thuận lợi

(VOV5) - Tuy nhiên, bất chấp khó khăn chồng chất, tiến độ tiêu huỷ kho vũ khí hoá học của Syria vẫn khả quan. Điều đặc biệt đáng ghi nhận là chỉ một tuần sau khi Nghị quyết của Liên hợp quốc được thông qua, một số vũ khí hóa học đã được tiêu hủy như các đầu đạn tên lửa, bom và thiết bị trộn hóa chất. Đây là một khoảng thời gian ngắn kỷ lục. Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học đặc biệt hoan nghênh tinh thần hợp tác và xây dựng này của Chính phủ Syria. Trên đà thuận lợi đó, OPCW cho biết sẽ cử tiếp một nhóm chuyên gia thứ 2 tới Syria để hỗ trợ công tác tiêu hủy vũ khí hóa học của chính quyền Damascus.

Tiến triển khả quan trong việc tiêu huỷ kho vũ khí hoá học ở Syria cũng nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Syria đã rất tích cực hợp tác với các thanh sát viên về vũ khí hóa học của Liên hợp quốc. Ông nêu rõ những nghi ngờ về việc các nhà lãnh đạo Syria có phản hồi thỏa đáng hay không đối với quyết định liên quan tới vũ khí hóa học của nước này là không thực tế. Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/10 cũng tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên được tán thưởng vì đã nhanh chóng bắt đầu tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền này. Đây rõ ràng là một khởi đầu tốt đẹp cho quá trình tiêu huỷ kho vũ khí hoá học của quốc gia Trung Đông này.

Khả năng thành công

Không thể phủ nhận các chuyên gia vũ khí hoá học của OPCW đang có những bước đi thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề ở Syria. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng chặng đường để tiêu huỷ hơn 1 nghìn tấn vũ khí hoá học còn khá dài ( 9 tháng kể từ nay đến giữa năm 2014). Đó là chưa kể đến những điều kiện khách quan và diễn biến tình hình chiến sự ở Syria đều có thể ảnh hưởng đến tiến trình tiêu huỷ vũ khí hoá học này. Sứ mệnh tiêu huỷ hết vũ khí hoá học tại Syria có hoàn thành hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu