Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 9 tháng qua tiếp tục thu được những kết quả rất tích cực. Kinh tế - xã hội phát triển đồng đều trên các lĩnh vực, dự kiến cả năm sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu được Quốc hội giao. Có được kết quả này là nhờ sự triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp từ TW đến địa phương nhưng trước hết là sự chỉ đạo định hướng ngay từ đầu của Quốc hội, Chính phủ với các Nghị quyết cụ thể.
Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là một trong những quyền hạn và nghĩa vụ của Quốc hội Việt Nam. Hàng năm Quốc hội quyết định nhiều chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dưới hình thức một Nghị quyết. Trên cơ sở các mục tiêu Quốc hội giao, Chính phủ tiến hành triển khai các giải pháp thực hiện để hoàn thành những mục tiêu đặt ra.
Quyết định những chỉ tiêu cơ bản
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2017), Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Trong đó, đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 tăng 6,5% - 6,7%. Ngoài ra là các chỉ tiêu cơ bản khác đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân, chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều...Đây là những con số cơ bản, là những mốc để phấn đấu thực hiện cho cả năm 2018. Nghị quyết được ban hành sau khi có sự thảo luận kỹ càng, cân nhắc của tập thể đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Quốc hội thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại trong một số ngành, lĩnh vực; đánh giá nguyên nhân của mặt được và chưa được; phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành phải có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì mới có thể hoàn thành được mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Quốc hội đã quyết định thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với sự nhất trí và quyết tâm chính trị cao".
Triển khai thực hiện quyết liệt
Dựa trên những mục tiêu tổng quát mà Quốc hội thống nhất thông qua, Chính phủ có những giải pháp triển khai thực hiện một cách cụ thể, đặc biệt đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 01 nhằm tạo sự thống nhất trong toàn bộ nền hành chính từ Trung ương đến địa phương, thực hiện đồng bộ và nhất quán các giải pháp để đạt được chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Khác với trước đây, năm 2018, Nghị quyết số 01 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày đầu năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Nghị quyết 01 là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018. Tinh thần chung trong Nghị quyết là có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên. Các bộ, ngành đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, trong đó có giải pháp thực hiện trong năm, có giải pháp trung, dài hạn với thời gian cụ thể và thứ tự ưu tiên hợp lý để triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ đã giao hơn 240 nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Trên cơ sở đó, những tháng qua, các giải pháp được thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến tốt hơn trong công tác điều hành, nhất là vận hành bộ máy hành chính trong năm 2018. Việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài chính đã giúp giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc cải thiện môi trường kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ rệt.
Ảnh minh họa/ TTXVN |
Ông Trương Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An, bày tỏ: "Tôi rất phấn khởi vì Chính phủ ra Nghị quyết 01, đặc biệt có mấy nội dung mà các doanh nghiệp lâu nay đều mong chờ. Thứ nhất là cải cách thủ tục hành chính, đây là việc hết sức quan trọng, đối với các giấy phép con, thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, về kiểm định hàng hóa. Thứ hai là tháo gỡ các chính sách trong hoạt động của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đang mong chờ ở việc này".
Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018 có nhiều triển vọng sáng sủa. Kết quả này minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn, sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại các Nghị quyết quan trọng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.