Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiềm chế lạm phát

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Cùng với việc đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng qua, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2012, trong hai ngày 30-31/7/2012, dành nhiều thời gian thảo luận về các giải pháp thúc đẩy và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bền vững trong thời gian tới. Chính phủ cũng đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như không làm lạm phát cao trở lại.

(VOV5) - Cùng với việc đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng qua, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2012, trong hai ngày 30-31/7/2012, dành nhiều thời gian thảo luận về các giải pháp thúc đẩy và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bền vững trong thời gian tới. Chính phủ cũng đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như không làm lạm phát cao trở lại.

Các thành viên Chính phủ, trong phiên họp này, đều thống nhất cho rằng tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng qua tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra và dự báo sẽ ngày càng tốt hơn, tích cực hơn trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, trong đó nổi lên là tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ và để đạt mức tăng trưởng GDP từ 5,2-5,7% trong năm 2012 là hết sức khó khăn. Do đó, yêu cầu chung là việc thúc đẩy tăng trưởng phải đi đôi với kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở đó, trong những tháng cuối năm 2012, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong việc bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kiên định mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cho năm 2012 và những năm tiếp theo, từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Về các giải pháp cụ thể, Chính phủ nhấn mạnh đến việc giải quyết khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, phát huy hiệu quả các nguồn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Về việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu bằng nhiều biện pháp gắn với cơ cấu lại các ngân hàng  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong kế hoạch năm nay: “Đến nay chúng tôi đã xử lý tiến tới cơ cấu lại cả 9 tổ chức tín dụng. Các khâu thanh tra, kiểm toán độc lập đã xong, đã chốt lại với các đương sự. Phương án cho từng ngân hàng đã được xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn tất. Tất cả các Hội đồng quản trị đều đã ký vào các phương án. Chúng tôi cho điều kiện, cho thời gian, nhưng nếu các tổ chức tín dụng không thể thực hiện được theo phương án tự sắp xếp, chúng tôi sẽ có phương án để đảm bảo an toàn của hệ thống.”

Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiềm chế lạm phát - ảnh 1
Ảnh minh họa Internet

Việc khẩn trương, tích cực rà soát, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề chính của doanh nghiệp cũng là một giải pháp quan trọng mà Chính phủ hướng tới. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Về điều này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã có quyết định điều hành linh hoạt trong thời điểm hiện tại: “ Chính phủ quyết định là ngoài sử dụng vốn theo kế hoạch năm 2012 thì một số công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống dân sinh và sản xuất nếu bây giờ có tiền có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành ngay trong năm 2012 hoặc cùng lắm là đầu năm 2013 thì chúng ta có thể tập trung vốn và ứng trước một khoản vốn của năm 2013 để đưa vào sử dụng sớm. Đây cũng là một khía cạnh của vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, nhưng phải tính toán số lượng tương ứng đảm bảo không tác động quá lớn tới chỉ số giá tiêu dùng”   

Bên cạnh việc duy trì tăng trưởng bền vững, kiềm chế lạm phát thì việc  thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Theo đó, các ngành, các cấp đặc biệt lưu ý đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, quan tâm thỏa đáng, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công.Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ có hướng đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, vừa góp phần kích cầu, thúc đẩy kinh tế, vừa giải quyết vấn đề nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp để đảm bảo an sinh xã hội: “Nhà ở cho người nghèo ở nông thôn chúng ta làm rất tốt, nhưng nhà ở cho người nghèo ở đô thị hiện nay còn rất khó khăn. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng cho một gói lãi suất thấp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội ngoài hỗ trợ của Nhà nước là miễn tiền sử dụng đất và một số chính sách khác.”

Cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãnh phí, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu