Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tuần qua đã có buổi họp với các bộ, ngành về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: nâng cao năng suất lao động đã trở thành vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Năng suất lao động là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Ảnh: chinhphu.vn |
Năng suất lao động của Việt Nam tăng trưởng tích cực và liên tục
Từ năm 2011 đến nay, năng suất lao động của Việt Nam tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng (gần 3 nghìn USD)/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng (hơn 8 nghìn USD)/lao động năm 2023. Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.
Theo ngân hàng thế giới (WB), tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021 - 2022, năng suất lao động Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau năng suất lao động bình quân của Singapore 5,8%).
Tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Trong quý I năm nay, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng (322 USD), tăng 549 nghìn đồng (24 USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này có được là do Việt Nam xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược (cùng với thể chế và hệ thống kết cấu hạ tầng). Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là những nhân tố căn bản, cốt lõi và tạo nền tảng để tăng năng suất lao động nhanh và bền vững.
Chính phủ, Thủ tướng cũng đã tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến nâng cao năng suất lao động. Đáng chú ý, tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng đã phê duyệt "Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030" với mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tập trung vào những mũi nhọn để tăng năng suất lao động
Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản…
Khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng năng suất lao động nhanh và bền vững vẫn chưa thực sự có bước đột phá, như: hạ tầng, chuyển dịch lao động từ nông thôn sang thành thị, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức…
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung làm 1 số việc: "Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động."
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phải bứt phát về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi; Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị. Đây cũng là con đường ngắn nhất để Việt Nam bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.