Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Cộng hoà Pháp

Thành Chung
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, thiết lập nền tảng vững chắc hơn để Việt Nam và Pháp thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. 
(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân hôm nay bắt đầu rời Hà Nội sang thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ ngày 24 đến ngày 26/9/2013. Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, thiết lập nền tảng vững chắc hơn để Việt Nam và Pháp thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.


Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Cộng hoà Pháp - ảnh 1


Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973. Suốt 40 năm qua, Việt Nam và Pháp không chỉ trao đổi nhiều đoàn cấp cao nhằm tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, thắt chặt sự hiểu biết lẫn nhau mà còn thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương cả đối thoại cấp chiến lược và đối thoại thường niên cấp cao trên các lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng…

Đến nay, Pháp đã trở thành bạn hàng châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỷ USD trong năm 2012, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử và nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn.

Tính đến cuối năm ngoái, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 375 dự án và số vốn lên tới hơn 3,1 tỷ USD. Pháp cũng luôn giữ vị trí nhà tài trợ châu Âu song phương ODA lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn tài trợ 2,5 tỷ USD tập trung ưu tiên vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp và tài chính.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN tại Pháp, Đại sứ VN tại Cộng hoà Pháp Dương Chí Dũng cho biết: “Hiện về giáo dục, đào tạo, chúng ta có trên 7000 học sinh, sinh viên học tập tại Pháp. Trong lĩnh vực y tế, nước Pháp giúp đào tạo cho chúng ta hơn 2500 bác sỹ và giáo sư đầu ngành và đến giờ lực lượng nòng cốt của đội ngũ y học của chúng ta đại đa số được học tập, làm việc, trưởng thành tại Pháp.

Một hợp tác khác rất năng động, tích cực trong quan hệ hai nước là hợp tác giữa các địa phương hiện có hơn 50 địa phương của Pháp và Việt Nam đã hợp tác mạnh mẽ trong nhiều vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường. Những hợp tác đó rất quan trọng vì là hợp tác từ cơ sở, sẽ tạo dựng gắn kết hợp tác giữa hai nhà nước, hai chính phủ”.

Cách đây tròn 20 năm, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mitterrand năm 1993 đã ghi dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, thì chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện trong giai đoạn quan hệ hai nước Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển sâu rộng, đã chín muồi và đạt mức tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đây thực sự là mốc quan trọng trong thời điểm hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ song phương.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú Đài TNVN tại Paris, cựu Đại sứ Pháp tại Việt nam Claude Blanchemaison, người đã từng chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterand tới Việt nam năm 1993, nêu rõ: “Việt nam đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược, tại châu Á mới đây là với Singapo, với châu Âu mới nhất là với Đan Mạch, sau khi đã ký với Đức và Vương Quốc Anh.

Thực tế đó chứng tỏ sự năng động và tính hấp dẫn của Việt Nam đối với thế giới. Với nước Pháp,Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử, sự tương đồng về văn hóa, quyết tâm cùng nhau nhân rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Đó chính là nền tảng tạo dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta.

Ngày nay, nước Pháp – giữa trung tâm châu Âu và Việt nam- ở trung tâm châu Á, có những cơ sở và vị thế để phát triển mối quan hệ song phương đặc biệt lên mức đối tác mới được đánh giá là ở tầm chiến lược. Tôi thấy rằng chúng ta đã hội đủ các điều kiện để dựng lên mối quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Việt nam và Pháp”.

Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Pháp lần này sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Pháp truyền đi những thông điệp rõ ràng về vai trò, vị trí của Việt Nam và Pháp, cũng như thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, nhất là đẩy mạnh hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá trong phát triển thương mại, hợp tác đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo và văn hóa giữa hai nước…

Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ là cơ chế để Việt Nam và Pháp tiến gần nhau hơn, trao đổi thực chất những vấn đề chiến lược, những vấn đề hợp tác để cùng phát triển, cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định, hữu nghị và phồn vinh trên thế giới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu