Thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Australia và NewZealand

Ánh Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5)- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia và NewZealand theo lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbot và Thủ tướng New Zealand John Ki. Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tăng cường đối tác toàn diện với các nội hàm hợp tác mang tính chiến lược, tạo khuôn khổ và định hướng cho quan hệ giữa Việt Nam với Australia cũng như giữa Việt Nam với New Zealand phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả trong thời gian tới.
(VOV5)- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia và NewZealand theo lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbot và Thủ tướng New Zealand John Ki. Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tăng cường đối tác toàn diện với các nội hàm hợp tác mang tính chiến lược, tạo khuôn khổ và định hướng cho quan hệ giữa Việt Nam với Australia cũng như giữa Việt Nam với New Zealand phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả trong thời gian tới.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Australia và NewZealand - ảnh 1

Là 2 quốc gia ở Châu Đại dương, Australia và New Zealand đều đang tích cực triển khai chính sách đối ngoại mới, trong đó coi trọng quan hệ với các đồng minh thân cận, tăng cường vai trò tại các diễn đàn đa phương, trong đó chủ động gắn kết với ASEAN và mong muốn có vai trò lớn hơn trong tiến trình cấu trúc khu vực đang định hình. Kể từ năm 2009, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với cả hai quốc gia này và kể từ đó mối quan hệ song phương đã thực sự khởi sắc.

Việt Nam, đối tác then chốt trong khu vực Đông Nam Á của Australia
Một Việt Nam đang phát triển năng động, Australia cũng ngày càng đóng vai trò lớn hơn cho hoà bình, hợp tác và phát triển ở châu Á- Thái Bình Dương. Vì thế, cả hai nước không chỉ chia sẻ nhiều lợi ích thiết thực trong quan hệ song phương mà còn chia sẻ lợi ích và quan tâm chung trong các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Năm 2012, trong Sách Trắng Australia trong thế kỷ châu Á, Australia đề ra mục tiêu tăng cường quan hệ ngoại giao với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy trong ASEAN, ngoài quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia, Australia mới chỉ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Đặc biệt, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó và tin cậy, thể hiện việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao cũng như triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương. Australia luôn nằm trong nhóm 10 nước đối tác thương mại quan trọng và nhóm 20 nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh, từ 32 triệu USD năm 1990 lên hơn 6 tỷ USD năm 2014. Cả hai đều là bên ký kết của hiệp định Tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và đang tham gia đàm phán đàm phán hai hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đến nay, Australia đã cấp cho Việt Nam 4000 học bổng với các hình thức khác nhau và hiện có 30.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Australia. Australia đứng trong TOP 10 thị trường có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất với trên 321 nghìn lượt khách trong năm 2014..

Chia sẻ những vấn đề chung của khu vực và quốc tế, Australia luôn coi Việt Nam là đối tác then chốt trong khu vực Đông Nam Á. Xuất phát từ lợi ích trực tiếp trong việc thụ hưởng hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nên Australia không ít lần lên tiếng về vấn đề duy trì hòa bình, ổn định cũng như đảm bảo an ninh, tự do hàng hải ở khu vực này.

Chính giới Australia nhiều lần chia sẻ quan điểm là cần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; các bên liên quan phải kiềm chế  và tránh các hoạt động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, và cần sớm hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với New Zealand
Kết thúc chuyến thăm chính thức Australia, trong 2 ngày 19 và 20/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức New Zealand. Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào năm Việt Nam - New Zealand đang chuẩn bị khởi động các hoạt động kỷ niệm tròn 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1/7/2005 – 1/7/2015). Mối quan hệ giữa hai nước thực sự khởi sắc từ năm 2009 khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và hai bên cùng tích cực triển khai chương trình hành động với các dự án, lĩnh vực hợp tác cụ thể. Kể từ đó đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều tăng tăng dần qua các năm và đạt gần 800 triệu USD vào năm ngoái. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 20 của New Zealand và New Zealand hiện có 25 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn gần 82 triệu USD chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, công nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, nông-lâm nghiệp và thủy sản.

Trong gần 2 ngày thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này, cùng nhau thảo luận và thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện với New Zealand trên tất cả các lĩnh vực, nhất là phối hợp tích cực, chặt chẽ nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Australia và New Zealand chắc chắn sẽ góp phần thắt chặt sự tin cậy chính trị giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, tạo nền tảng vững chắc để đưa quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand bước vào một giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu