Thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người tại Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Những năm qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn quốc gia.

Trong diễn biến mới nhất ngày 4/10/2022, phát biểu khi Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa, Khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận về thúc đẩy tiến bộ phụ nữ,Tham tán Công sứ Việt Nam tại LHQ, Lê Thị Minh Thoa,đã nhấn mạnh bình đẳng giới luôn được Việt Nam coi trọng trong các chính sách quốc gia. Việc tăng cường vai trò, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội không chỉ là những cam kết mà còn là những chuẩn mực ở Việt Nam.

Thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người tại Việt Nam - ảnh 1Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên thảo luận về thúc đẩy tiến bộ phụ nữ của Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa, Khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia, trở thành thành viên có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín ở phạm vi toàn cầu và khu vực. Những thành tựu đạt được trong hội nhập quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Việt Nam triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới nói chung, công tác nhân quyền nói riêng.

Trên cơ sở pháp luật và các công ước, cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và nhiều bộ luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách nghiêm túc. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng và phù hợp với thực tiễn quốc gia.

Bên cạnh việc xây dựng, ban hành luật pháp, chính sách, Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, các đề án, chương trình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông về bình đẳng giới… và mới đây là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai tương đối đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, nội dung bình đẳng giới được lồng ghép trong nhiều chiến lược, chương trình, chính sách được ban hành trong 10 năm qua.

Kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp.

Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội (tỷ lệ cao nhất kể từ khóa V tới nay) và gần 30% nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới trong thập kỷ qua, bất chấp những biến động kinh tế-chính trị của khu vực và thế giới.

Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở mức 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 0,997, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong số 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.

Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 3/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025… Đây tiếp tục là những hành lang pháp lý rộng mở góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bình đẳng giới và những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu