Thủ tướng dự COP 28, thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ: Những thành công ấn tượng

Hồng Vân tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào thời điểm hết sức ý nghĩa.

Tối qua (3/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về đến Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến công tác đã khẳng định vị thế, uy tín, hình ảnh của một Việt Nam năng động, mạnh mẽ trong việc triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu; mở ra thời kỳ mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra những xung lực để đưa quan hệ song phương Việt Nam - UAE lên tầm cao mới.

Thủ tướng dự COP 28, thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ: Những thành công ấn tượng   - ảnh 1Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới. Ảnh: VOV

Chuyến công tác từ 29/11 đến 3/12 của Thủ tướng đạt được tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thủ tướng đã tiến hành khoảng 60 hoạt động (20 hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 40 hoạt động ở UAE), đạt được các kết quả vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa rất cụ thể.

Dấu ấn Việt Nam và những thông điệp lớn tại COP 28

Tại COP 28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu ở các diễn đàn, với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. Đó là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, quyết liệt. Thủ tướng cho rằng tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh những năm qua càng chứng tỏ đây là thách thức không biên giới, là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu và là vấn đề của toàn dân. Mỗi quốc gia phải khai thác tối đa sức mạnh nội sinh là cơ bản; kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế là quan trọng và đề cao chủ nghĩa đa phương; lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, để ứng phó với những thách thức này.

Các quốc gia phát triển phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nhất là về nguồn vốn, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển không trông chờ, không ỷ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự vươn lên.

Thủ tướng dự COP 28, thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ: Những thành công ấn tượng   - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại một diễn đàn trong khuôn khổ của COP28 .Ảnh VOV

Thế giới cần bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu, giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu, giữa nhu cầu phát triển và chuyển đổi xanh.

Riêng với Nhóm liên minh gồm 135 quốc gia đang phát triển (G77), Thủ tướng nhấn mạnh cần đưa nội hàm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt. Đây là giải pháp đột phá, căn cốt, dẫn dắt quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh, tuần hoàn, bền vững. Đồng thời, thúc đẩy tài chính ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu để giúp mở khoá các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Chia sẻ những việc Việc Nam đã làm để chống biến đổi khí hậu, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kể từ sau COP26 ở Glasgow,  Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện nhằm giảm phát thải khí nhà kính đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế.

Một điểm nhấn trong khuôn khổ COP 28 là việc Thủ tướng công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam với các đối tác quốc tế. Các đối tác đã cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Mặt khác, Ngân hàng thế giới (WB) dự kiến dành khoản vay 5-7 tỷ USD cho Việt Nam cho một số dự án thế hệ mới tiềm năng.

Giai đoạn mới trong hợp tác song phương

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào thời điểm hết sức ý nghĩa: kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ (1978 - 2023) và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - UAE (1993 - 2023).

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm của Thủ tướng là một bước đột phá trong quan hệ song phương khi lãnh đạo 2 bên đã thống nhất thúc đẩy sớm mở Tổng Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, mở cửa cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và nông sản của mỗi nước, hướng đến sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 4 – 5 tỷ USD trong thời gian tới. Đặc biệt, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã lần đầu tiên trao đổi về khả năng nâng cấp quan hệ hai nước lên một khuôn khổ đối tác mới.

Với UAE, chuyến công tác góp phần tạo ra những xung lực mới trong quan hệ song phương.  Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà Lãnh đạo UAE đã nhất trí sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA), sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD trong những năm tới; UAE tăng cường hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal, thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo …

Về chuỗi các hoạt động kinh tế, nhân chuyến thăm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết 21 thoả thuận hợp tác với các đối tác UAE và Thổ Nhĩ Kỳ trong các lĩnh vực an ninh, nông nghiệp, hàng không dân dụng, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, cảng biển…, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng này.

Sau 5 ngày hoạt động liên tục, hiệu quả (29/11 – 3/12), chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đạt những kết quả quan trọng cả trên bình diện đa phương và song phương, hoàn thành ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu