Thách thức lớn trong quan hệ liên Triều

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Căng thẳng trong quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đang bị đẩy lên đỉnh điểm sau hàng loạt những phát ngôn và động thái cứng rắn của hai bên trong những ngày qua. 

(VOV5) - Căng thẳng trong quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đang bị đẩy lên đỉnh điểm sau hàng loạt những phát ngôn và động thái cứng rắn của hai bên trong những ngày qua. Dư luận ví tình hình trên bán đảo Triều Tiên lúc này như một thùng thuốc súng và lo ngại nếu 2 bên không kiềm chế, khả năng xung đột xảy ra là khó tránh khỏi.

Mọi việc dường như bắt đầu từ cuộc tập trận chung 11 ngày giữa Mỹ và Hàn Quốc mang tên "Giải pháp then chốt" với sự góp mặt của hơn 13 nghìn binh sĩ hai nước cùng nhiều loại máy bay chiến đấu, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường. Quan chức Bình Nhưỡng cáo buộc rằng đây là cuộc xâm lăng do Hàn Quốc tiến hành với sự yểm trợ của đồng minh Mỹ. Hơn thế, "Giải pháp then chốt" còn diễn ra đồng thời với một cuộc tập trận Mỹ - Hàn khác mang tên "Đại bàng non" kéo dài 2 tháng.

 

Thách thức lớn trong quan hệ liên Triều - ảnh 1
Xe bọc thép của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận mới đây tại phía đông Seoul (Ảnh: AFP)


Trong một động thái đáp trả được cho là nguy hiểm, CHDCND Triều Tiên ngày 11/3 đã đơn phương tuyên bố Hiệp định đình chiến ký vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, văn bản duy nhất ràng buộc hai miền khỏi rơi vào chiến tranh, nay bị hủy bỏ vì Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc tập trận định kỳ chung. Thậm chí Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, còn khẳng định vũ khí của CHDCND Triều Tiên đã được đưa vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời với tuyên bố trên, Bình Nhưỡng cũng đã cắt đường dây nóng liên lạc giữa hai miền vốn được thiết lập để giải quyết các sự cố xảy ra tại khu phi quân sự ở biên giới. Để minh chứng cho những tuyên bố trên, trong chuyến thăm các đơn vị pháo binh ở khu vực biên giới ngày 11/3, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un cảnh báo sẽ xóa sổ một hòn đảo nhỏ của Hàn Quốc, đảo Baengnyeong, nằm trên vùng biển đang tranh chấp giữa 2 nước, hiện do Hàn Quốc quản lý. Theo ông Kim Jong - un, hòn đảo này sẽ là mục tiêu đầu tiên nếu căng thẳng quân sự tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, ông Kim cũng kêu gọi các binh sỹ chuẩn bị tinh thần cao độ cho khả năng xảy ra một cuộc chiến.

Thách thức lớn trong quan hệ liên Triều - ảnh 2
Nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong lễ tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh AFP)

Mặc dù về lý thuyết, hai miền Triều Tiên chưa bao giờ ký một hiệp định hòa bình song phương tuy nhiên việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố đơn phương rút khỏi Hiệp định đình chiến cũng đủ khiến các bên liên quan và dư luận thế giới quan ngại. Trong phát biểu mới nhất, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Martin Nesirky khẳng định Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên vẫn có hiệu lực bởi văn bản này được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và các điều khoản trong đó không cho phép bất cứ bên nào đơn phương hủy bỏ.   Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cam kết ứng phó mạnh mẽ với khiêu khích của CHDCND Triều Tiên và khẳng định Chính phủ sẽ không từ bỏ nỗ lực tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Kim Min - Seok tỏ ra cứng rắn khi khẳng định Hàn Quốc sẽ đáp trả nếu CHDCND Triều Tiên gây hấn. Trong khi đó, phương Tây và Hoa Kỳ cùng vào cuộc khi Mỹ và nhiều nước tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với CHDCND Triều Tiên, trong đó có các biện pháp trừng phạt về tài chính, đề xuất thêm một dự thảo Nghị quyết kêu gọi thành lập một Ủy ban điều tra về quyền con người tại CHDCND Triều Tiên.

Sở dĩ CHDCND Triều Tiên có hành động cứng rắn như vậy là nhằm củng cố lòng trung thành của người dân và quân đội với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Hành động này cũng là nỗ lực thể hiện sự kiên quyết của CHDCND Triều Tiên rằng họ sẵn sàng vượt qua những nguy cơ lớn hơn với hy vọng các nước sẽ nhượng bộ và cung cấp những gì mà họ muốn.

 Với những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, dư luận cho rằng bán đảo Triều Tiên đang cận kề một cuộc chiến tranh, nguy hiểm nhất là có cả vũ khí hạt nhân. Nhưng một cuộc chiến nếu xảy ra hiển nhiên là không có lợi cho cả đôi bên, thậm chí, có thể gây phản ứng dây chuyền, kích động một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn khu vực, làm thay đổi diện mạo chính trị tại khu vực./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu