Tăng trưởng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu

Trần Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) -Tăng trưởng xanh là hướng đi cần thiết để các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo phát triển bền vững.

Giống nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới, biến đổi khí hậu, sự gia tăng phát thải khí nhà kính là  vấn đề lớn đang đặt ra cho sự phát triển bền vững đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thách thức cốt lõi là phải phát triển khu vực này theo hướng tăng cường khả năng chống chịu và tiềm năng giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, thực hiện chiến lược Tăng trưởng xanh được xem là chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh trong khu vực hiện nay.

Tăng trưởng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu - ảnh 1Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp thực hiện Tăng trưởng xanh.- Ảnh minh họa /VOV 

Đồng bằng sông Cửu Long với dân số khoảng 18 triệu người, là khu vực công - nông nghiệp trọng điểm cả nước. Tuy nhiên các tỉnh đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ sống còn do biến đổi khí hậu như nước biển dâng cao gây mất diện tích đất, suy giảm nghiêm trọng rừng ngập mặn, sạt lở vùng ven biển và ven sông.…

Dự báo nhiệt độ không khí tại các tỉnh này cũng sẽ tăng thêm 0,7 độ C vào năm 2020 và gần 2 độ C vào năm 2025. Đặc biệt, theo đà phát triển lượng khí thải CO2 tại vùng này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu        

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Chính phủ phê duyệt vào năm 2012 với 3 mục tiêu cơ bản: giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống người tiêu dùng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện có 6 tỉnh gồm: An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Hậu Giang đang hoàn thiện kế hoạch này.

Ông Võ Doãn Dụng, Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tế cuộc sống. Nếu thực hiện được Tăng trưởng xanh theo đúng kế hoạch sẽ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thật sự có ý nghĩa cho phát triển bền vững của tỉnh.  Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng:

 Tăng trưởng xanh mang ý nghĩa rất lớn về lâu dài cho sự phát triển. Tăng trưởng xanh đặt ra nhiều mục tiêu, nhiều nhiệm vụ. Muốn thực hiện cái này cần nguồn lực lớn. Thứ hai, cơ chế chính sách đi theo đồng bộ.

Thống nhất hành động

Để thực hiện Tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam vừa công bố Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh tại 5 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Hậu Giang. Theo đó, các tỉnh này chú trọng sự phát triển mang tính liên kết cao, trên quan điểm phát triển bền vững như: nâng cao tính bền vững môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng; Đảm bảo hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường...Riêng về nguồn lực để đảm bảo nhu cầu đầu tư công cho Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, toàn vùng ĐBSCL cần đến 120 ngàn tỷ đồng. 

Để khắc phục khó khăn này, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia tư vấn về tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các tỉnh cần tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế đa phương và song phương. Đồng thời, chú trọng liên kết đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các cụm, ngành kinh tế trọng điểm. Theo ông Sơn, từng địa phương cũng cần rà soát lại quy hoạch để đáp ứng yêu cầu xanh hóa sản xuất và tập trung làm giảm cường độ phát thải khí nhà kính.

 Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính đều tập trung vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hoặc là đổi mới kỹ thuật canh tác, thay đổi cơ cấu nông nghiệp. Đưa nhiều hơn tỷ trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Liên quan đến vấn đề xanh hóa sản xuất thì yêu cầu rà soát lại tất cả cá quy hoạch để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu mới liên quan tới tăng trưởng kinh tế, liên quan đến môi trường của các tỉnh chúng ta. Tất cả các vấn đề này khá cấp thiết.

Trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh là hướng đi cần thiết để các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu