Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp với số ca nhiễm gia tăng hàng giờ, mỗi quốc gia đều đang thi hành những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn đại dịch. Tại Việt Nam, bên cạnh triển khai các biện pháp toàn diện, mạnh mẽ, chính phủ Việt Nam luôn thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế, cùng hành động để ứng phó với thách thức lớn mà nhân loại đang đối mặt.
Trước đại dịch Covid-19, có thể khẳng định không một quốc gia nào có thể hành động đơn lẻ mà thành công. Vì vậy, Việt Nam luôn nhận thức và khẳng định sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia về mọi mặt để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tích cực, chủ động và đề cao hợp tác quốc tế
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về ứng phó dịch Covid-19 diễn ra ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19, nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn
|
Cũng liên tục trong các ngày qua, các lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc…, có các cuộc điện đàm với lãnh đạo đồng cấp các nước chia sẻ về tình hình dịch bệnh Covid-19, đề xuất các biện pháp hợp tác trong bối cảnh dịch đang ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Tại các cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo Việt Nam chia sẻ một số biện pháp Việt Nam đã và đang triển khai như tạm thời ngừng nhập cảnh người nước ngoài, hạn chế tiếp xúc xã hội, cách ly tập trung hoặc tự cách ly, ngừng một số hoạt động kinh doanh tập trung đông người như quán bar, nhà hàng, hội họp… Đồng thời khẳng định Việt Nam bước đầu xây dựng được phác đồ điều trị tiêu chuẩn đối với các bệnh nhân mắc Covid-19, nghiên cứu thành công bộ Kit xét nghiệm SARS-CoV-2, xác lập trình tự gien vi-rút, thúc đẩy nghiên cứu vắc-xin... Đặc biệt, Việt Nam cho rằng hợp tác khu vực và quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan và kiểm soát đại dịch trong thời gian tới.
Tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19 diễn ra ngày 20/3 vừa qua, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác thúc đẩy cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN để nâng cao khả năng sẵn sàng và các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh và giảm thiểu các tác động. Các nước ASEAN đã sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trợ giúp nhau về kỹ thuật, khởi động các cơ chế ứng phó khẩn cấp về y tế của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các Đối tác.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học trong kiểm soát và điều trị các ca nhiễm; quan tâm đảm bảo quyền lợi và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN tại EU; phối hợp giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.
Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất kiểm soát dịch bệnh
Đại dịch Covid-19 là thách thức chung của toàn cầu và tất cả các quốc gia hiện nay. Hợp tác quốc tế chính là chìa khóa quan trọng cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất hiện nay là phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không thể thực hiện thành công nếu không có sự hợp tác, chung sức đồng lòng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, các đối tác của ASEAN, Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân và phát triển ổn định quốc gia.