Sóng ngầm trên chính trường Ai Cập

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Chính trường Ai Cập đang trải qua cơn sóng ngầm khi cuộc đua tranh quyền lực giữa tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi với giới quân sự đầy quyền lực ở nước này đang đến hồi quyết liệt. Trong một động thái bất ngờ và quyết đoán, ngày 12/8, ông Mohamed Morsi đã bổ nhiệm ông Abdel Fatah al-Sissi làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ tịch Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang, thay Thống chế quyền lực Hussein Tantawi về nghỉ hưu sớm.

(VOV5)- Chính trường Ai Cập đang trải qua cơn sóng ngầm khi cuộc đua tranh quyền lực giữa tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi với giới quân sự đầy quyền lực ở nước này đang đến hồi quyết liệt. Trong một động thái bất ngờ và quyết đoán, ngày 12/8, ông Mohamed Morsi đã bổ nhiệm ông Abdel Fatah al-Sissi làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ tịch Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang, thay Thống chế quyền lực Hussein Tantawi về nghỉ hưu sớm. Trước đó, vị Tổng thống này cũng ban hành quyết định cho Tham mưu trưởng quân đội Sami Enan hồi hưu. Dư luận cho rằng, quyết định này của ông Morsi là "tiếng súng" báo hiệu căng thẳng chính trị mới sắp diễn ra trên chính trường nước này khi chính quyền dân sự đang quyết tâm thực hiện mục tiêu tập trung quyền lực về mình.

Sóng ngầm trên chính trường Ai Cập - ảnh 1

Tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi phát biểu tại Lễ nhậm chức (Ảnh: Reuters)

Mặc dù, Tổng thống Morsi lên tiếng rằng quyết định của ông "không nhắm vào những cá nhân nhất định” hoặc “thu hẹp các quyền tự do”, mà “vì lợi ích của quốc gia và nhân dân”, nhưng cú "thay máu" quân đội đó sẽ là nhân tố tiềm ẩn nảy sinh những biến cố khó lường. Bởi quyết định này được dư luận nhìn nhận có thể đặt dấu chấm hết cho vai trò của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) trong đời sống chính trị Ai Cập.


Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên kể từ khi ông Morsi nhậm chức hồi tháng 6, căng thẳng giữa chính quyền dân sự và giới chức quân đội mới nổ ra. Việc ông Morsi trở thành tổng thống mới của Ai Cập đánh dấu một bước ngoặt của xứ Kim Tự tháp kể từ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Thắng lợi này đã cho phép tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Chính điều ấy đã khơi mào cho một cuộc đấu đá quyền lực giữa tổ chức Anh em Hồi giáo mà ông Morsi là đại diện với bên kia là giới quân sự từ lâu nắm quyền ở đất nước Bắc Phi này. 


Còn nhớ, hồi trung tuần tháng 7/2012, ông Morsi đã phải nhượng bộ khi rút lại sắc lệnh của mình nhằm khôi phục Quốc hội, vốn bị SCAF giải tán ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống (ngày 15/6) theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tối cao (SCC). Thực tế, việc giải tán Quốc hội, SCAF muốn giảm sự ảnh hưởng của tổ chức Anh em Hồi giáo trong chính trường nước này. Bởi trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, Đảng Công lý và Phát triển (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo giành được 235 ghế trong tổng số 508 ghế, tương đương 47,18% số ghế tại Hạ viện. Rất may, căng thẳng thời điểm đó đã lắng dịu khi tân tổng thống ra quyết định rút lại sắc lệnh của mình. 


Tuy nhiên, phép thử ấy đã qua. Sự quyết đoán gạt bỏ ông Tantawi, từng giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng suốt 2 thập kỷ dưới thời cựu Tổng thống Mubarak và đã nắm quyền cai quản Ai Cập kể từ sau làn sóng nổi dậy hồi năm 2011 với tư cách là người đứng đầu SCAF, của ông Morsi được nhìn nhận là "cú đối đầu" thật sự trong nỗ lực thành lập một nhà nước dân sự, chấm dứt tình trạng chính quyền "hai đầu” tại Ai Cập. Tổng thống Morsi cũng ra quyết định hủy bỏ một tuyên bố hiến pháp, được ban hành dưới thời kỳ cầm quyền của Thống tướng Tantawi, cho phép trao quyền rộng rãi cho các chỉ huy quân sự cao cấp. Trước đó, ngày 8/8, ông Morsi tiến hành cải tổ Cơ quan tình báo nước này, theo đó cách chức Giám đốc Murad Muwafi và bổ nhiệm ông Mohammed Rafaat Abdel Wahad Shehata làm quyền giám đốc cơ quan này. Ngoài ra, ông Morsi cũng bổ nhiệm thẩm phán Mahmud Mekki làm cấp phó của mình... Tuy nhiên, trên thực tế, quân đội Ai Cập, vốn đang nắm giữ nguồn thu lớn trong nền kinh tế cũng như sức mạnh quân sự được Washington hỗ trợ, vẫn là một tổ chức quan trọng của quốc gia Trung Đông, trong khi tiến trình thiết lập nền dân chủ tại Ai Cập chỉ vừa mới bắt đầu. Do đó, các động thái này của ông Morsi được cho là có thể gây ra một sự đối đầu mới giữa tân Tổng thống và Hội đồng quân sự.

Sóng ngầm trên chính trường Ai Cập - ảnh 2

Tổng thống Mohamed Mursi đưa ra quyết định cải tổ mạnh mẽ. (Ảnh: AFP)


Hiện tại, dư luận chưa thể đoán định được chính trường Xứ Kim tự tháp này sẽ diễn tiến như thế nào sau những quyết định bất ngờ của ông Morsi. Liệu quyết định này có nhận được sự nhượng bộ từ quân đội hay không? Câu trả lời còn để ngỏ. Nhiều nguồn tin cho rằng, sự ra đi của các vị tướng lĩnh trong quân đội Ai Cập này đã có sự dàn xếp, xoa dịu. Cụ thể như cùng với việc bãi nhiệm, cho nghỉ hưu sớm, chính quyền Cairo đã xoa dịu bằng cách để Thống chế Tantawi và tham mưu trưởng, tướng S. Annan, vào các vị trí cố vấn tổng thống và trao cho họ những phần thưởng danh dự cao nhất của Ai Cập. Cùng với đó, vài giờ sau khi quyết định sa thải các tướng lĩnh, ông Morsi đã lên truyền hình kêu gọi sự ủng hộ từ dân chúng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là phỏng đoán. Không ai dám chắc, chính trường nước này sẽ không xuất hiện "cơn sóng ngầm" dữ dội khi mà quyền lực trên bàn cờ chính trị của nước này luôn được các phía nhòm ngó, mong muốn thâu tóm./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu