Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

Vũ Dũng-Thu Hà/VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cả năm, 6 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam phải đạt mức 7,42%. 

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam, có phiên họp nhằm rà soát lại kế hoạch năm 2017, đề ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội, trong đó tập trung vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Tuy còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đều cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cả năm 6,7%, 6 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam phải đạt mức 7,42%. Đây được cho là mức tăng trưởng cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, nỗ lực phấn đấu, những giải pháp đột phá  và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và người dân.

Tìm giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Diễn ra sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, cuộc họp này của Chính phủ cho thấy Thủ tướng và Chính phủ quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo các bộ ngành và địa phương, thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng. Tại đây, lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn đều cho biết có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, doanh nghiệp mình. Ví dụ như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt tăng trưởng trên 12%; ngành du lịch có thể đạt tăng trưởng trên 30% và lượng khách quốc tế đạt từ 13 đến 15 triệu. Trong đó, quan trọng nhất là xuất khẩu, khi 7 tháng qua, kim ngạch đạt hơn 115 tỷ USD, tăng gần  19%. 

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% - ảnh 1Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017 có nhiều gam màu sáng (Ảnh minh họa: KT) 

Nếu đạt con số 200 tỉ USD, thì đây là năm đầu tiên Việt Nam đạt mức kỷ lục xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Thời gian tới các Hiệp định thương mại tự do đi vào thực hiện, ngành Công Thương sẽ xây dựng các chính sách và đối sách phù hợp với các thị trường để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu:Trong hội nhập quốc tế cần khai thác tốt bối cảnh mới, ứng phó tốt và khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới công tác điều hành thị trường theo hướng bám sát thực tiễn, có định hướng mang tính chiến lược dài hạn và phát triển bền vững giữa các ngành hàng. Cần phải đổi mới bằng cách nắm bắt những yêu cầu thị trường trên cơ sở đánh giá kỹ năng lực, dung lượng thị trường, những cơ hội từ các hiệp định thương mại để tận dụng lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu.

Với mục tiêu xuất khẩu đạt và vượt mức 205 tỷ USD cả năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm phải đạt kim ngạch xuất khẩu 90 tỷ USD: Đây là khoản rất lớn cần phải đạt được để nhập siêu năm nay giảm ở mức thấp hơn nữa. Bên cạnh giải quyết vấn đề thủ tục một cửa quốc gia, vấn đề thị trường, tăng năng lực sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, đặc biệt là du lịch. Có hàng vạn người vào APEC lần này, sản phẩm nào, công việc gì để thúc đẩy tiêu dùng tại chỗ rất quan trọng. Và trong đó tôi đề nghị các đồng chí tập trung chỉ đạo các mặt hàng trọng điểm, các thị trường trọng điểm, cải cách thủ tục hơn nữa để giảm kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu.

Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu

Ngoài việc cam kết hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn khẳng định sẽ thực hiện tốt cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Cùng với việc tập trung tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia; các giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và du lịch… 

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% - ảnh 2

Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đặc biệt các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, bảo đảm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô. Trong đó phải lưu ý đến vấn đề lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng: Động lực lớn chính là phải giữ được một cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong nước. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo được môi trường kinh doanh tốt hơn và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cảm thấy kinh doanh thuận lợi hơn và chi phí giảm xuống, từ đó có cơ hội về lợi nhuận nhiều hơn thì đó sẽ là động lực. Và động lực đó không phải chỉ cho năm 2017 mà còn là động lực lâu dài của Việt Nam trong tương lai cũng như trong quá trình hội nhập.

Với quyết tâm và sự vào cuộc của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu