Căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang trong những ngày qua, với những động thái quân sự và khẩu chiến ngoại giao giữa các bên, buộc cộng đồng quốc tế phải chạy đua với thời gian để thói ngòi nổ của một cuộc xung đột toàn diện.
Một trường học bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza ngày 3/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Hôm 12/08, nguyên thủ Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italia ra tuyên bố chung về tình hình Trung Đông, trong đó kêu gọi Iran rút lại những lời đe doạ về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Israel, đồng thời khẳng định ủng hộ bảo vệ Israel trước các hành động tấn công từ bên ngoài. Đây được xem là những nỗ lực ngoại giao cuối cùng để ngăn xung đột bùng phát.
Nguy cơ xung đột cận kề
Bên cạnh tuyên bố của lãnh đạo 5 nước phương Tây, trong ngày 12/08, Thủ tướng Anh, Keir Starmer đã có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Iran, ông Masoud Pezeshkian để thảo luận về tình hình Trung Đông. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Keir Starmer đã chuyển tới Tổng thống Iran thông điệp của phương Tây về việc cần thiết phải hạ nhiệt căng thẳng và cảnh báo về các hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh khu vực Trung Đông nếu nổ ra xung đột toàn diện với Israel. Trước đó, cũng trong ngày 12/08, trong một động thái hiếm hoi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, thông báo Mỹ đã điều tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk đến Trung Đông, đồng thời tăng tốc bố trí tàu sân bay, máy bay chiến đấu đến khu vực. Đây cũng được xem là lời cảnh báo răn đe của Mỹ đối với các lực lượng có ý định tấn công vào Israel.
Người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby. Ảnh: AP |
Theo giới quan sát, các động thái ngoại giao và quân sự dồn dập từ các nước trong những ngày qua cho thấy nguy cơ xung đột cận kề và các bên không còn nhiều thời gian để tháo “ngòi nổ”. Báo chí phương Tây đầu tuần này cũng trích dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao phương Tây và Israel cho biết giới lãnh đạo Iran dường như đã quyết định sẽ tấn công trả đũa Israel sau vụ thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas, ông Ismail Haniyeh, bị sát hại tại thủ đô Tehran của Iran hôm 31/07, và vụ sát hại 1 thủ lĩnh lực lượng Hezbollah ở Lebanon trước đó 1 ngày (30/07), mà phía Israel đã chính thức nhận trách nhiệm.
Phát biểu trước báo giới hôm 12/08, người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby, cũng cho biết Mỹ và Israel chia sẻ nhận định rằng xung đột có thể nổ ra ngay trong tuần này, đồng thời đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó: “Tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi chia sẻ lo ngại và đánh giá của các đối tác Israel về thời gian có thể diễn ra các vụ tấn công là trong tuần này. Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ tình hình. Rất khó chắc chắn điều gì vào thời điểm này nhưng chúng tôi phải chuẩn bị ứng phó với khả năng có một loạt các cuộc tấn công”.
Theo giới quan sát, các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công trả đũa từ Iran và các lực lượng đồng minh dường như đã thất bại và mục đích chính hiện nay của các bên là hạn chế tối đa quy mô của các cuộc tấn công nhằm vào Israel, cũng như kiềm chế các hành động trả đũa sau đó của Israel để tránh đẩy Trung Đông vào xung đột toàn diện. Ismat Mansour, chuyên gia về Israel của Viện nghiên cứu Palestine, nhận định: "Mục tiêu chính của cộng đồng quốc tế hiện nay là ngăn tình hình leo thang, không để xảy ra một cuộc chiến toàn diện. Mối nguy lớn nhất là việc trả đũa lẫn nhau có thể dẫn đến một cuộc chiến khu vực, gây ra các tác động toàn cầu và đe dọa sự ổn định của toàn bộ Trung Đông”.
Đàm phán bế tắc
Song song với các nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Iran và Israel hạn chế các kịch bản tấn công trả đũa lẫn nhau, cộng đồng quốc tế cũng đang cố gắng thúc đẩy việc đạt được 1 thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức tại dải Gaza, xem đó là cơ sở nền tảng để kéo các bên ngồi lại với nhau, cùng thảo luận các giải pháp chính trị lâu dài cho Gaza và khu vực. Theo kế hoạch, các nhà ngoại giao Mỹ, Ai Cập, Qatar và đại diện Hamas sẽ gặp nhau ngày 15/08 tại thủ đô Cairo của Ai Cập để đàm phán tiếp về lệnh ngừng bắn- trao đổi con tin mới. Bất chấp căng thẳng hiện nay, phía Mỹ cho biết vẫn giữ kế hoạch về cuộc gặp này, đồng thời kêu gọi đại diện phong trào Hamas tham gia. Tuy nhiên, Saad Nimr, Giáo sư Khoa học chính trị, trường Đại học Birzeit ở Bờ Tây (Palestine), cho rằng trong những ngày qua quân đội Israel đang gia tăng các cuộc tấn công tại dải Gaza, miền Nam Lebanon và Syria, trong đó có vụ không kích hôm 10/08 vào một trường học ở Gaza khiến khoảng 100 người thiệt mạng.
Theo Saad Nimr, các động thái này khiến các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng Iran-Israel hay thiết lập lệnh ngừng bắn ở Gaza ngày càng khó khăn hơn: “Các nỗ lực ngoại giao hiện nay tập trung vào việc thuyết phục Iran giảm đáng kể các cuộc tấn công trả đũa Israel, đổi lại lấy một thỏa thuận ngừng bắn từ phía Israel, từ đó thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin ở dải Gaza, nếu Israel đồng ý. Tuy nhiên, động thái từ phía Israel cũng như thiệt hại lớn từ các cuộc tấn công gần đây ở dải Gaza cho thấy không có sự thay đổi nào so với trước kia”.
Phản ứng trước các động thái quân sự từ Israel, hôm 11/08, phong trào Hamas ra tuyên bố cho biết không tham gia vòng đàm phán mới, khi cho rằng các vòng đàm phán hiện nay chỉ là cái vỏ che đậy cho việc leo thang bạo lực. Ngoài ra, phía Hamas cũng yêu cầu chỉ thảo luận dựa trên đề xuất 3 giai đoạn được Tổng thống Mỹ, Joe Biden, đưa ra tại Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) hôm 31/05, chứ không thảo luận các đề xuất mới.
Trong khi đó, hôm 12/08, ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, cho biết LHQ lên án vụ tấn công vào trường học ở Gaza hôm 10/08, yêu cầu tất cả các bên thực thi lập tức Nghị quyết số 2735 của HĐBA LHQ ngày 10/06, trong đó trọng tâm là thả con tin và ngừng bắn ngay lập tức tại dải Gaza.