Quốc hội phát huy vai trò, vị thế Việt Nam trên các diễn đàn đa phương

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Ngày mai, 29/9, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA 37), diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanamar). 

(VOV5) -  Ngày mai, 29/9, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA 37), diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Myanamar). 


Việc người lãnh đạo cao nhất của Quốc hội Việt Nam tham dự diễn đàn nghị viện cấp khu vực khẳng định sự coi trọng hợp tác nghị viện quốc tế của Việt Nam. Đây cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục thể hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vị thế của đất nước trên các diễn đàn đa phương.


Quốc hội phát huy vai trò, vị thế Việt Nam trên các diễn đàn đa phương - ảnh 1

Đại hội đồng liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 diễn ra từ 29/9 đến 3/10. Với chủ đề “AIPA sống động vì một Cộng đồng ASEAN tiến bộ”, AIPA 37 có sự tham dự của lãnh đạo nghị viện 10 nước thành viên ASEAN cùg một số nước quan sát viên. Các phiên thảo luận trong khuôn khổ AIPA 37 nhằm tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các nội dung đã đề ra trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2025.

Đóng góp tích cực cho diễn đàn nghị viện cấp khu vực 

Chính thức tham gia AIPA từ năm 1995, Việt Nam luôn chủ động tham gia các hoạt động của Liên minh và tích cực đóng góp tại các kỳ họp của Đại hội đồng AIPA. Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội AIPA-23 (2001-2002), AIPA-31 (2009-2010) và các hội nghị chuyên đề, hội nghị cấp Ủy ban như hội nghị về “Hậu khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và phát triển bền vững” năm 2010; hội nghị về “Vai trò của cơ quan lập pháp trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ” năm 1998 và hội nghị “Triển khai dự án nghiên cứu hợp tác pháp lý trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em” năm 2005. Nhiều đề xuất của Việt Nam được các thành viên AIPA đánh giá cao. Việt Nam cũng đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tình hữu nghị, sự hợp tác, trao đổi và hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng AIPA, nỗ lực nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của AIPA vì hòa bình và thịnh vượng  của khu vực và thế giới. Quốc hội Việt Nam đã đổi mới, ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật để triển khai các nghị quyết thông qua tại các kỳ Đại hội đồng AIPA. 

Tại AIPA 37, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tích cực tham gia thảo luận chương trình hành động của đại hội đồng cũng như các nội dung trong chương trình nghị sự. Cùng với lãnh đạo nghị viện các nước thành viên AIPA, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có bài phát biểu ngay tại phiên thảo luận đầu tiên của đại hội đồng. Đoàn đại biểu Việt Nam cũng sẽ có nhiều tham luận tại các phiên họp của Ủy ban nữ nghị sỹ, Ủy ban các vấn đề chính trị, Ủy ban các vấn đề kinh tế, Ủy ban các vấn đề xã hội,diễn ra sau đó, nhằm cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. 

Ngoại giao nghị viện đa phương góp phần thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại

Việc Việt Nam luôn là thành viên tích cực của diễn đàn nghị viện khu vực kể từ khi gia nhập AIPA đến nay cho thấy chủ trương hội nhập quốc tế chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam. Ngoài AIPA, Quốc hội Việt Nam hiện còn là thành viên của liên minh nghị viện thế giới (IPU), liên minh nghị viện cộng đồng pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP và nhiều tổ chức liên nghị viện khác. Quốc hội Việt Nam không chỉ tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động của các diễn đàn này, mà còn chủ động đề xuất các sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức này. Điều này cho thấy công tác đối ngoại đa phương của Quốc hội ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung và nâng cao vị thế của đất nước. Ông Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đánh giá: "Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, công tác đối ngoại Quốc hội không ngừng làm tăng cường sâu sắc mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước.Trong tình huống khó khăn, chủ quyền quốc gia bị đe dọa, chúng ta hóa giải tình huống thành công và làm cân bằng sâu sắc quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế".

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và liên kết khu vực mạnh mẽ như hiện nay, hoạt động đối ngoại của Quốc hội với vị trí là một kênh đối ngoại vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, phải đóng vai trò quan trọng trong quá trình song hành cùng Chính phủ thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế, giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Vấn đề này được Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV (tháng 7/2016): "Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Chú trọng công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội, thực hiện tốt công tác điều hòa, phối hợp trong hoạt động đối ngoại". 

Hoạt động đối ngoại Quốc hội đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Việc Việt Nam tham gia tích cực tại AIPA 37 tại Myanamar  sắp tới cũng như tăng cường đóng góp trên các diễn đàn nghị viện đa phương sẽ góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc Đổi mới toàn diện và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu