Quốc hội năm 2013: Những dấu ấn nổi bật

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trong năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã tạo được dấu ấn đậm nét bằng nhiều hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị của đất nước, đặt tiền đề quan trọng cho việc phát huy hiệu quả các chức năng Hiến định của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

(VOV5) - Trong năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã tạo được dấu ấn đậm nét bằng nhiều hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị của đất nước, đặt tiền đề quan trọng cho việc phát huy hiệu quả các chức năng Hiến định của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Quốc hội năm 2013: Những dấu ấn nổi bật - ảnh 1



Hoạt động của Quốc hội khoá XIII năm 2013 được thể hiện rõ nét qua 2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6. Nhiều quyết sách quan trọng đã được Quốc hội thông qua, trong đó hệ trọng nhất là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi), thông qua Luật đất đai sửa đổi cùng các quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội.

 

Lấy phiếu tín nhiệm – chương mới trong hoạt động nghị trường   

 

Lần đầu tiên sau 67 năm kể từ khi Quốc hội họp kỳ đầu tiên năm 1946, Quốc hội Việt Nam tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là sinh hoạt chính trị quan trọng, là bước tiến mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội để đánh giá về những người Quốc hội đã bầu hoặc phê chuẩn đồng thời đề cao ý thức trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội trong việc chọn người hiền tài cho đất nước. Tuy mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội nhưng đây cũng là tín hiệu mừng về tính dân chủ và tính đại diện thật sự của cơ quan dân cử cao nhất của đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã phản ánh chân thực tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước. Đây cũng là một kinh nghiệm tốt để các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ở trung ương và địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp cân nhắc, vận dụng khi triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong thời gian tới; bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.   

 

Thông qua nhiều dự án Luật quan trọng

 

Năm 2013, công tác xây dựng Luật của Quốc hội được phát huy hiệu quả, trong đó phải kể đến việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp sửa đổi. Đây được đánh giá là một sự kiện chính trị - pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc thông qua Hiến pháp sửa đổi được xem là đảm bảo chính trị - pháp lý vững chắc cho dân tộc Việt Nam vững bước tiến lên trước những thách thức mới của thời đại. Bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình khẳng định: Tôi tin chắc rằng,  Hiến pháp vừa được thông qua  sẽ góp phần rất tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới, đặc biệt là sẽ góp phần hạn chế tất cả những cái bất cập, mâu thuẫn, còn chồng chéo giữa các Luật từ trước đến nay.”

 

Cùng với việc thông qua Hiến pháp sửa đổi, năm 2013 Quốc hội đã thông qua gần 20 Luật và cho ý kiến về nhiều dự án luật khác. Đây đều là các dự án Luật quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững đất nước. Trong số đó, đáng chú ý nhất là dự án Luật đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và đời sống của người dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Luật đất đai sửa đổi đã được sửa theo hướng phải đảm bảo các quy định thu hồi đất rất chặt chẽ, gắn với thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Trong việc thu hồi đất thì phải dựa trên nguyên tắc công khai minh bạch được bồi thường phải theo đúng quy định của pháp luật và trong những trường hợp thật sự cần thiết.”

 

Tăng cường truyền tải thông tin tới cử tri

 

Với chương trình nghị sự định kỳ, trong năm 2013, nhiều phiên làm việc của Quốc hội đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, góp phần cung cấp trung thực, kịp thời sinh hoạt của nghị trường tới cử tri.Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đánh giá: Càng những kỳ họp gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có chủ trương công khai nhiều hơn. Trước kia chỉ có phiên họp khai mạc, bế mạc, chất vấn hoặc cùng lắm là thảo luận về kinh tế - xã hội. Gần đây đã là giám sát chuyên đề, một số luật, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thảo luận để nhân dân nắm được kỹ hơn. Đây là cơ hội vàng để Quốc hội truyền tải thông tin tới cử tri.”.

 

Cùng với những dấu ấn trên, năm 2013, Quốc hội đã  thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để Việt Nam hoàn thành những mục tiêu đề ra. như thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; quyết định nâng trần bội chi ngân sách Nhà nước cho 2 năm lên 5,3% GDP....

 

Có thể khẳng định những dấu ấn quan trọng mà Quốc hội đạt được trong năm 2013 là mang tính lịch sử, là động lực để cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tiếp tục thực hiện tốt cả 3 chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát  tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước./.

 

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu