Phục hồi du lịch góp phần phát triển kinh tế

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việc mở cửa lại du lịch từ 15/3/2022 đã mở ra sự hồi phục rõ nét về tất cả các chỉ số của ngành du lịch Việt Nam những tháng qua.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XV, du lịch là 1 trong 2 lĩnh vực được lựa chọn để chất vấn. Nhiều giải pháp đã được các thành viên Chính phủ đưa ra tại phiên chất vấn để du lịch thực sự phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới.                                         

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách về phục hồi và phát triển du lịch, 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, từ 15/3/2022, toàn bộ các hoạt động của du lịch Việt Nam chính thức mở cửa trở lại. Đây được xem dấu mốc rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam.

Sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả

Bản chất du lịch là một ngành kinh tế và để phát triển thành mũi nhọn, Việt Nam phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ ngành triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần du lịch đúng là một ngành kinh tế mũi nhọn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nhấn mạnh: "Đây là một ngành tổng hợp, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương, đặc biệt là rất cần sự vào cuộc hưởng ứng và tham gia trực tiếp của người dân. Một mặt chúng ta phải cải thiện cái môi trường du lịch. Cả nước và nhiều địa phương đã có những lúc phát động những phong trào, mỗi người dân một đại sứ du lịch".

Phục hồi du lịch góp phần phát triển kinh tế  - ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Do đó vấn đề liên kết, phối hợp là yếu tố hết sức quan trọng để phát triển ngành du lịch, khả năng cạnh tranh và đảm bảo tính bền vững trong phát triển. Vì vậy, Bộ rất quan tâm đến việc liên kết thuận lợi. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Giao thông đường bộ đang tiến hành kết nối vùng, trong đó Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông để kết nối các vùng kinh tế trọng điểm…. Các chính sách của Trung ương đang giao cho Bộ Giao thông và các cơ quan, địa phương để tổ chức thực hiện sẽ kết nối và tạo điều kiện kết nối về du lịch. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tham mưu trong công tác chỉ đạo để thực hiện liên kết".

Phục hồi du lịch góp phần phát triển kinh tế  - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết thời gian qua, ngành đã chủ động tạo ra sự kết nối. Kết nối ở đây không phải chỉ là chính quyền với chính quyền mà thông qua chính quyền để dẫn dắt vai trò doanh nghiệp để doanh nghiệp kết nối.

Để phong phú thêm sản phẩm du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung thực hiện chuyển đổi số, trong đó chọn lĩnh vực đầu tiên là thực hiện số hóa bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ và một số bảo tàng khác trên toàn quốc đã thực hiện được chuyển đổi số và số hóa. Để làm được việc này tốt hơn nữa trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào công tác quản lý dữ liệu, bảo quản hiện vật trưng bày trong một không gian số, cập nhật hiểu biết mới về các công nghệ, nhất là với các bảo tàng và di tích.

Chú trọng nguồn nhân lực có chất lượng

Về phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam có nhiều chính sách nhằm phục hồi lao động lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đề cập giải pháp căn cơ trong vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra những nhóm giải pháp, cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng dần kỹ năng mới; triển khai hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận Bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN; có chính sách thu hút nhân lực và học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng; quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường" .

Trong khi đó, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đã và đang đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.

Việc mở cửa lại du lịch từ 15/3/2022 đã mở ra sự hồi phục rõ nét về tất cả các chỉ số của ngành du lịch Việt Nam những tháng qua. Kết quả này là động lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu