Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời cũng tạo nguồn lực để phát triển đất nước.
Một chương trình nghệ thuật tại Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ảnh: VOV |
Việt Nam có 54 dân tộc. Các dân tộc dù tiếng nói, phong tục, tập quán khác nhau, nhưng cùng đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa để dựng nước và giữ nước. Những sắc thái văn hóa riêng biệt của từng dân tộc được định hình, phát triển và bổ sung cho nhau, tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Hệ thống di sản văn hóa phong phú
Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được kiểm kê, Việt Nam đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, hơn 3.600 di tích cấp quốc gia và gần 130 di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục....
Đối với bảo tàng, từ một vài bảo tàng được xây dựng cuối thế kỷ XIX, nay Việt Nam đã có một hệ thống gồm hơn 180 bảo tàng đang bảo quản, trưng bày trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia.
Dưới góc độ quốc tế, trong số 33 di sản thế giới của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh suốt 3 thập niên qua, thì có gần 30 di sản là di sản văn hóa. Đó là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông để lại. Những di sản văn hóa này đã được sàng lọc qua thời gian, chứng tỏ sự trường tồn của văn hóa dân tộc. Qua “lăng kính di sản”, thế giới có thể nhận diện được diện mạo, tinh khí, tâm hồn và chiều sâu lịch sử, vị thế văn hóa của dân tộc Việt Nam và người Việt Nam cả trong quá khứ và đương đại.
Phát huy giá trị của di sản văn hóa
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam luôn coi trọng, xác định di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Sắc lệnh số 65, sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945, đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.
Bắt đầu từ cuối tháng 10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tên gọi “Tinh hoa Đạo học”. Ảnh: VOV |
Sau này, nhiều văn bản pháp luật khác về bảo tồn di sản văn hóa được ban hành, từng bước đồng bộ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, như: Luật Di sản Văn hóa (năm 2001); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009); và nhiều văn bản dưới luật khác…Đó là kim chỉ nam quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Nhằm bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó, Bộ tập trung vào 03 nhóm chính sách, 1 trong số đó là việc cần thiết phải hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể, dự thảo làm rõ các quy định về hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; bổ sung quy định mới về "Quỹ bảo tồn di sản văn hóa"; Sửa đổi, bổ sung làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; định hướng, điều chỉnh hoạt động quản lý, thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng gắn với phát triển bền vững và hội nhập… Dự kiến dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024.
Cùng với Nhà nước, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn là sự nghiệp của toàn dân, chủ thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cộng đồng dân cư tại nơi có di sản nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, có lòng tự hào, có ý thức trách nhiệm bảo vệ các di sản này. Di sản văn hóa được bảo tồn không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần mà còn tạo bản sắc cho du lịch từng địa phương, từ đó phát triển kinh tế các tỉnh, thành.
Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam chính là bảo vệ những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc, là sự phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong thời gian tới.