NQ 13 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả

Chia sẻ

(VOV5) -Với 29.000 tỷ đồng, 9 nội dung và 22 giải pháp triển khai thực hiện, Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường đang được các ngành, các cấp triển khai nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong cả nước. Lãi suất giảm dần, chính sách giãn, giảm thuế của Nhà nước góp phần tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp là những kết quả tích cực được các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế ghi nhận từ việc áp dụng Nghị quyết 13 của Chính phủ.

(VOV5) -Với 29.000 tỷ đồng, 9 nội dung và 22 giải pháp triển khai thực hiện, Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường đang được các ngành, các cấp triển khai nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong cả nước. Lãi suất giảm dần, chính sách giãn, giảm thuế của Nhà nước góp phần tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp là những kết quả tích cực được các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế ghi nhận từ việc áp dụng Nghị quyết 13 của Chính phủ.

NQ 13 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả - ảnh 1


Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Trong quý 2/2012, Ngân hàng Nhà nước liên tục có các quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động xuống còn 9%/năm, Mức lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm xuống 15 – 16%/năm, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ còn 30%, tiền thuê đất của năm 2012 giảm 50%… Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, các gói hỗ trợ tập trung vào thuế như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế giá trị gia tăng, giảm 50% tiền thuê đất của doanh nghiệp… thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ông Vũ Nhữ Thăng cho rằng nếu tiếp tục duy trì mức lạm phát thấp và ổn định, trong những tháng tới, mặt bằng lãi suất có thể sẽ tiếp tục hạ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với chi phí thấp, giúp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Những kết quả này nếu đem so sánh với thời điểm trước là thấp, nhưng so với nhu cầu hiện tại của các doanh nghiệp thì vẫn là mức cao bởi vẫn có những doanh nghiệp phải phá sản do thiếu vốn, nợ ngân hàng… Ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết 13 và Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ - Những tác động đa chiều và định hướng cho các doanh nghiệp cuối năm 2012 và năm tiếp theo” diễn ra hôm 13/07, cho rằng việc tập trung vào giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay giãn thuế Giá trị gia tăng (VAT) tác động trực tiếp lên mỗi doanh nghiệp chưa nhiều, song xét tổng thể thì có thể thấy tác động dây chuyền đến nhiều doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung. Ông Nguyễn Trọng Kiên nêu rõ: “Thực sự là có hiệu quả, nhưng chúng tôi quan tâm nhiều hơn tới những hỗ trợ khác liên quan tới chính sách. Đó là thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế các doanh nghiệp hiện nay không có lợi nhuận nên không có nhiều giá trị đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như chúng tôi. Chúng tôi đang kỳ vọng vào lãi suất và tới đây thuế VAT có thể giảm xuống 5% hoặc một số sản phẩm xuống 0% thì đấy mới là chính sách thiết thực.”

Trong gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ, đáng chú ý là việc gia hạn thuế giá trị gia tăng coi như cho doanh nghiệp được vay với lãi suất bằng 0% trong 6 tháng để có vốn duy trì sản xuất kinh doanh. Có thể coi giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và việc gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) của tháng 4, 5, 6 năm 2012 đối với 2 loại hình doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng việc thực thi giải pháp của Chính phủ giúp các doanh nghiệp xi măng được hưởng lợi khi được vay vốn cho sản xuất kinh doanh với lãi suất 15% và được cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ đầu tư, như vậy doanh nghiệp đã giảm bớt được nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất cũng như khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãi suất ngân hàng hiện nay đang trên đà giảm, vấn đề còn lại là mỗi doanh nghiệp cần tự xây dựng chiến lược hấp thụ vốn cho mình:“ Mỗi doanh nghiệp cần tự xây dựng chiến lược hấp thụ vốn. Cơ quan quản lý không thể làm thay được. Gói cơ chế chính sách đã tạo hết điều kiện rồi. Vấn đề cần chú ý nhất hiện nay là doanh nghiệp phải định hướng thị trường của mình, phải rà soát lại thị trường sản phẩm, cơ cấu bộ máy tinh giản phù hợp với bối cảnh sản xuất thu hẹp, tiết kiệm chi phí.” 

Báo cáo mới đây của Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) khảo sát khu vực doanh nghiệp nhận định 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế đã nêu trong Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã trình Quốc hội và đặc biệt là Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là rất cần thiết và cơ bản đáp ứng đúng những nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Những tác động ban đầu tuy còn hạn chế nhưng đã thể hiện được sự linh hoạt, kịp thời, trách nhiệm, sự chia sẻ, phối hợp trong quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, giúp cho sản xuất kinh doanh và thị trường giảm bớt gánh nặng tài chính, lãi suất, thể chế để thêm sức mạnh và động lực vượt qua khó khăn và phát triển ổn định, bền vững hơn./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu