Nội các mới của Nhật Bản đứng trước những khó khăn về kinh tế, đối ngoại

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Đúng như dự báo, đảng Dân chủ tự do (LDP) đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào Hạ viện Nhật Bản ngày 16/12 vừa qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Chủ tịch của LDP, ông Shinzo Abe, sẽ trở thành Thủ tướng Nhật trong thời gian tới. Việc LDP giành thắng lợi phần nào cho thấy niềm tin của cử tri Nhật bản dành cho đảng này tuy nhiên cũng đặt LDP trước những thách thức không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước hiện nay.
(VOV5)- Đúng như dự báo, đảng Dân chủ tự do (LDP) đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào Hạ viện Nhật Bản ngày 16/12 vừa qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Chủ tịch của LDP, ông Shinzo Abe, sẽ trở thành Thủ tướng Nhật trong thời gian tới. Việc LDP giành thắng lợi phần nào cho thấy niềm tin của cử tri Nhật bản dành cho đảng này tuy nhiên cũng đặt LDP trước những thách thức không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước hiện nay.

Nội các mới của Nhật Bản đứng trước những khó khăn về kinh tế, đối ngoại - ảnh 1
Người dân Tokyo bỏ phiếu bầu cử Hạ viện. Ảnh: internet

Ngay sau khi LDP giành chiến thắng, Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Nhật bản, ông Shinzo Abe, đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ khẳng định quyết tâm đưa đất nước ra khỏi các cuộc khủng hoảng. Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi thắng cử, ông Abe cho biết nội các mới dự định sẽ được công bố vào ngày 26/12 với mục tiêu chính là vượt qua các cuộc khủng hoảng mà đất nước đang trải qua, đồng thời cam kết mở mang nền kinh tế và khôi phục sức mạnh ngoại giao của Nhật Bản. Để thực hiện cam kết này, về kinh tế, ông Abe nêu rõ sau khi thành lập, chính phủ của ông sẽ nỗ lực giải quyết nạn giảm phát kinh niên trong nền kinh tế và tình trạng đồng yên tăng giá. Ông cho biết sẽ chỉ đạo các Bộ trưởng ký thỏa thuận với Ngân hàng trung ương Nhật Bản để thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và đạt mục tiêu lạm phát 2%/ năm. Đây là bài toán khó vì ông Abe và nội các của ông sẽ phải đối mặt là tình trạng giảm phát của Nhật Bản khi tăng trưởng GDP của nước này trong tháng 11/2012 ở mức 3,5%, mức thấp nhất kể từ khi xảy ra trận động đất, sóng thần hồi tháng 3-2011.Ngoài ra, kinh tế Nhật bản vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc. Bên cạnh đó là việc khôi phục vùng đông bắc nước này vốn bị tàn phá bởi thảm hoạ động đất – sóng thần hồi năm ngoái, đặc biệt là việc giải quyết hậu quả sự cố hạt nhân Fukushima. 

Nội các mới của Nhật Bản đứng trước những khó khăn về kinh tế, đối ngoại - ảnh 2
Ông Shinzo Abe, người sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản 

Trong lĩnh vực đối ngoại, Chủ tịch LDP cho thấy Mỹ vẫn là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Nhật khi khẳng định tiếp tục duy trì liên minh Nhật - Mỹ và khôi phục sức mạnh ngoại giao của Nhật Bản đã bị lu mờ trong những năm vừa qua do sự yếu kém về kinh tế và nhiều vấn đề khác. Điều này được minh chứng khi sáng 18/12, ông Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barak Obama và nhất trí tăng cường các mối quan hệ giữa 2 nước cũng như thảo luận Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật cùng các vấn đề kinh tế. Ông Abe cũng khẳng định sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 1/2013. Theo một số nhà phân tích, trong quan hệ với Mỹ, LDP sẽ phải xử lý khéo léo vấn đề tái bố trí Căn cứ không quân Futenma để không vấp phải sự phản đối của chính quyền và người dân tỉnh Okinawa, nơi tập trung nhiều nhất các căn cứ quân sự Mỹ. Nếu không giải quyết tốt những quan ngại của Okinawa, quan hệ Nhật-Mỹ sẽ bị ảnh hưởng giống như dưới thời các chính phủ tiền nhiệm.

Nội các mới của Nhật Bản đứng trước những khó khăn về kinh tế, đối ngoại - ảnh 3
Ông Shinzo Abe trong một buổi vận động tranh cử ngày 15/12. (Ảnh: Reuters)


Đề cập quan hệ với Trung Quốc, tuy khẳng định quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Nhật Bản nhưng ông Shinzo Abe cũng tỏ rõ lập trường cứng rắn khi tuyên bố sẽ không thể có thỏa hiệp về chủ quyền của các hòn đảo đang là trung tâm tranh chấp giữa 2 nước. Thậm chí, LDP đã khẳng định cam kết sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng một cảng biển ở Senkaku hoặc đưa nhân viên công quyền ra đó để khẳng định quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với các hòn đảo có ý nghĩa chiến lược nhưng lâu nay không có người ở này. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, nếu thực hiện biện pháp trên, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng hơn trong thời gian tới. Do đó, chính phủ mới của ông Abe sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các bước đi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hai nước.


Với những khởi động đầu tiên sau khi thắng cử, xem ra ông Shinzo Abe và đảng Dân chủ tự do đang từng bước thực hiện khẩu hiệu khi tranh cử Lấy lại Nhật bản, Xây dựng lại Nhật bản. Song quá trình này còn có nhiều khó khăn và cử tri Nhật Bản, những người đã bỏ phiếu cho LDP, đang dõi theo khả năng chèo lái đất nước của đảng Dân chủ tự do./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu