Nỗ lực vì một ASEAN đang chuyển mình mạnh mẽ

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm nay bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan từ 8-10/10 tại Brunei. 

(VOV5) - Việt Nam cùng các quốc gia thành viên nỗ lực xây dựng một ASEAN đang chuyển mình mạnh mẽ, tiến tới hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm nay bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan từ 8-10/10 tại Brunei. Phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN,
tại Hội nghị lần này, Việt Nam cùng các quốc gia thành viên nỗ lực xây dựng một ASEAN đang chuyển mình mạnh mẽ, tiến tới hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.

Nỗ lực vì một ASEAN đang chuyển mình mạnh mẽ - ảnh 1

Hội nghị cấp cao ASEAN 23 diễn ra trong bối cảnh ASEAN gấp rút đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối hướng về người dân. ASEAN đang triển khai xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 với 4 mục tiêu cơ bản, đó là: Củng cố tiến trình xây dựng cộng đồng và hội nhập hiện nay của ASEAN; Tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trong xử lý các vấn đề toàn cầu. Vì vậy, Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ tập trung bàn việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các khuôn khổ ASEAN +1, ASEAN +3 và Cấp cao Đông Á (EAS), hướng phát triển của ASEAN giai đoạn sau 2015.

Thách thức trên chặng đường xây dựng Cộng đồng

Qua 46 năm hình thành và phát triển, vượt qua không ít thăng trầm và thách thức, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế năng động, hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN, có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Ðông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, là nhân tố trung tâm trong việc bảo đảm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Ðến nay, ASEAN đã hoàn tất hơn 70% khối lượng công việc trong các lộ trình đề ra nhằm xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, dựa trên ba trụ cột chính, gồm chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Việc bảo đảm tiến độ xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đúng kế hoạch, đề ra tầm nhìn sau năm 2015 cũng như xử lý hài hòa những vấn đề trong khu vực đang đặt ra những thách thức, đòi hỏi Hiệp hội phải quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ để vượt qua.

Việt Nam là thành viên không thể tách rời của đại gia đình ASEAN

Trong tiến trình chung phát triển của ASEAN, tiếp nối những thành quả đạt được sau 18 năm gia nhập ASEAN, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tham gia tích cực trong tất cả các hoạt động của ASEAN, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của ASEAN, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Trong bối cảnh ASEAN chịu nhiều tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến đoàn kết, uy tín và vai trò trung tâm của Hiệp hội, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN luôn kiên trì thúc đẩy đoàn kết và giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, nhất là nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Việt Nam đã xử lý khéo léo các vấn đề nhạy cảm, phức tạp cũng như nỗ lực cùng các nước thành viên khác giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc trên tinh thần Hiến chương ASEAN và vì lợi ích chung của Hiệp hội, qua đó góp phần duy trì đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và uy tín của Hiệp hội. Đặc biệt, Việt Nam tích cực thúc đẩy thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các trọng tâm ưu tiên của ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối ASEAN cũng như kết nối khu vực; thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng: Mặc dù Việt Nam gia nhập ASEAN muộn hơn so với nhiều nước thành viên khác, năm 1995, nhưng đó cũng chính là thời điểm ASEAN định hướng xây dựng cộng đồng. Việt Nam đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nhất những trách nhiệm của quốc gia đối với những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra. Nhìn lại quá trình từ 1995 đến nay, dù nền kinh tế phát triển chậm hơn nhưng Việt Nam cũng đã cắt giảm đến 99% dòng thuế xuống còn 0-5% theo đúng chỉ tiêu. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia xây dựng những cơ chế ở cấp khu vực.

Trong năm 2013, cùng với việc đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU (2012-2015), Việt Nam còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM). Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì họp ACDM 23, Hội nghị ACDM với các Đối tác. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh chia sẻ: Việt Nam sống ở môi trường Đông Nam Á thì nếu môi trường này, khu vực này phát triển hòa bình thì bản thân Việt Nam có lợi ích. Do vậy, Việt Nam đặt lợi ích chiến lược vào việc ASEAN phát triển cộng đồng, coi đây là lợi ích sát sườn. Khi ASEAN trở thành cộng đồng thì ngoài môi trường hòa bình, ổn định, phát triển thì chúng ta còn tranh thủ được lợi thế từ các nền kinh tế trong ASEAN có thể cộng hưởng, cùng giúp đỡ hỗ trợ nhau phát triển và điều này trong thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần này nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam để thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển trên thế giới./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu