Tổng thống đắc cử Iran, ông Masoud Pezeshkian chính thức nhậm chức hôm 30/07. Là chính trị gia theo đường lối tương đối cấp tiến, tân Tổng thống Iran mang đến hy vọng sẽ thực thi nhiều thay đổi tích cực cho Iran. Tuy nhiên, ông Masoud Pezeshkhian gặp nhiều thách thức lớn cả về đối nội và đối ngoại.
Ông Masoud Pezeshkian. Ảnh: THX/TTXVN |
Hôm 30/07, ông chính thức nhậm chức Tổng thống Iran, thay ông Ebrahim Raisi, người tử nạn trong vụ tai nạn máy bay hôm 19/05.
Thách thức đối nội
Kinh tế là thử thách lớn đầu tiên mà tân Tổng thống Iran phải xử lý. Sau nhiều năm hứng chịu hàng ngàn lệnh cấm vận, trừng phạt từ các quốc gia phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nền kinh tế Iran rơi vào tình trạng khó khăn thường trực. Mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran trong năm ngoái đạt mức 5,3% theo các số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đạt khoảng 5,7% theo các số liệu của Trung tâm thống kê Iran (SCI) (giảm xuống 3,5% nếu không tính dầu mỏ), nhưng nhiều chỉ số khác của nền kinh tế không mấy khả quan. Tỷ lệ lạm phát của Iran trong tháng 7, do SCI công bố hôm 29/07, hiện ở mức 32,2% khiến sức mua của dân chúng tiếp tục suy giảm nhanh chóng. Tình trạng lạm phát cao đã kéo dài tại Iran trong hơn 2 thập kỷ qua, khiến đời sống thường nhật của dân chúng gặp khó khăn và được xem là ngòi nổ thường trực cho các bất ổn xã hội. Do đó, ngay sau khi đắc cử, ông Pezeshkian đã tuyên bố chống lạm phát là một trong các nhiệm vụ cấp bách nhất và biện pháp có thể được thực hiện sớm nhất là gia tăng việc trợ cấp năng lượng cho các hộ gia đình nghèo, những đối tượng bị tác động lớn nhất bởi lạm phát.
Lo ngại lớn tiếp theo là do các lệnh cấm vận, Iran mất đi các nguồn thu lớn từ dầu mỏ dù quốc gia này là một trong những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Việc thiếu các nguồn thu lớn này khiến Iran gặp nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội, tiếp cận các nguồn tài chính, công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến từ bên ngoài. Nhận thức được các khó khăn này, trong chiến dịch tranh cử, ông Masoud Pezeshkian cho rằng chính quyền mới của Iran cần phải có những chính sách kinh tế thực tế, đáp ứng được với bối cảnh hiện nay: “Đã rất nhiều năm sau khi thực hiện cuộc Cách mạng Hồi giáo, chúng ta bước lên bục và đưa ra các hứa hẹn mà sau đó lại không thực hiện được. Đó là vấn đề lớn nhất của chúng ta. Cá nhân tôi không đưa ra các lời hứa suông. Tôi không nói những điều mà sau đó mình không làm được”.
Một thách thức lớn khác về đối nội với tân Tổng thống Iran là việc đổi mới bộ máy công chức, qua đó đẩy lùi tham nhũng và việc quản lý yếu kém, những yếu tố được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài và hiệu quả thấp của các chính sách kinh tế. Nhằm xử lý vấn đề này, ông Masoud Pezeshkian đã thành lập một Hội đồng chính sách mới, bao gồm nhiều chính trị gia, chuyên gia mang tư duy cải cách, do ông Mohammad Reza Aref, cựu Phó Tổng thống Iran (2001-2005) đứng đầu, nhằm thúc đẩy việc thực thi cải cách trong những lĩnh vực then chốt. Ngoài ra, ông Masoud Pezeshkian cũng đã công bố danh sách 18 tiêu chí cần thiết để bổ nhiệm các chức danh Bộ trưởng, trong đó đề cao việc am hiểu chuyên môn, sự dũng cảm và thành thực.
Đại giáo chủ Ali Khamenei trao quyết định phê chuẩn chức vụ Tổng thống cho ông Pezeshkian trong một buổi lễ hôm 28/7. Ảnh: WANA/Reuters |
Môi trường đối ngoại ngày càng phức tạp
Các trở ngại đối với nỗ lực cải tổ kinh tế của Tổng thống Masoud Pezeshkian càng lớn hơn khi Iran đang đối mặt với những thách thức đối ngoại và an ninh to lớn. Khả năng nối lại các đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (Thỏa thuận P5+1) giữa Iran và Mỹ, qua đó giúp Iran nới lỏng các lệnh cấm vận kinh tế, hiện không mấy khả thi. Hôm 09/07, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, John Kirby, cho biết hiện chính quyền Mỹ không có ý định quay trở lại bàn đám phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân, với lí do Iran vẫn đang hậu thuẫn cho các lực lượng chống Mỹ và Israel tại khu vực.
Theo chuyên gia Alex Vatanka, Giám đốc Chương trình Iran tại Viện Trung Đông (Mỹ), khó có thể hy vọng có các đột phá trong chính sách đối ngoại của Iran dưới thời Tổng thống Masoud Pezeshkian. Nguyên nhân là do môi trường an ninh quốc tế hiện nay đang ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt tại khu vực Trung Đông. Ngoài ra, quan trọng hơn, đó là quyền lực thực sự tại Iran trong nhiều lĩnh vực chủ chốt thuộc về Đại Giáo chủ Khamenei và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chứ không phải thuộc về Tổng thống: “Trong những chủ đề lớn, như: quan hệ với Mỹ, quan điểm với Israel như thế nào, quan điểm về chương trình hạt nhân, tên lửa và các hành động của Iran trong khu vực ra sao… ông Masoud Pezeshkian đều cho thấy tương đối rõ rằng các chủ đề này sẽ cần sự tham gia xử lý của nhiều bên”.
Theo giới quan sát, trong những phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, ông Masoud Pezeshkian đều đưa ra các quan điểm đối ngoại tương đồng với người tiền nhiệm Ebrahim Raisi, đặc biệt đối với cuộc xung đột Israel-Hamas hiện nay tại Gaza, cũng như nguy cơ bùng nổ xung đột quy mô lớn giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Đối với hy vọng hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran, theo Alex Vatanka, thời gian cũng không còn nhiều đối với ban lãnh đạo mới của Iran bởi Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 năm sau và Iran khó có thể mong đợi phá thế bế tắc cho đến khi nước Mỹ kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.