Những luận điệu của HRW là xuyên tạc tình hình nhân quyền tại VN

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong thực hiện nhân quyền, nhất là việc Chính phủ đã thông qua hai công ước quốc tế quan trọng.

Trong số các tổ chức tự nhận là hoạt động vì nhân quyền trên phạm vi quốc tế, Human Rights Watch (HRW) nổi lên là một tổ chức thường xuyên đưa ra các luận điệu bịa đặt, vu khống về nhân quyền ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mang danh là tổ chức nhân quyền nhưng hoạt động của HRW chưa bao giờ phục vụ cho sự phát triển nhân quyền ở các quốc gia, kể cả ở Việt Nam.

Những luận điệu của HRW là xuyên tạc tình hình nhân quyền tại VN - ảnh 1

Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết Việt Nam có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều - Ảnh: cand.com.vn

Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch – HRW), trong bản “Phúc trình toàn cầu 2019” công bố hồi giữa tháng 1/2019 đã cho rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam “xuống cấp nghiêm trọng”; Việt Nam “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo.

Những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền Việt Nam

“Phúc trình toàn cầu nhân quyền 2019” của HRW, thực sự không vì sự phát triển nhân quyền ở Việt Nam. Những tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam từ lâu đã được các tổ chức quốc tế, các tổ chức của Liên hợp quốc nhìn nhận, đánh giá rất cụ thể. Thông điệp mới nhất  được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra hồi tháng 10-2018 cho rằng  “Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, dù vẫn còn những thách thức trong việc giảm bớt chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, thu hẹp khoảng cách giới, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải carbon dioxide và đa dạng sinh học”. Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, chia sẻ: “Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia”. Bà cho rằng trong chỉ số phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục. Theo đó, tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của người Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Lấy ví dụ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho mọi đối tượng xã hội, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao việc Việt Nam có một cơ chế rõ ràng và nhất quán trong việc triển khai các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), hay việc Việt Nam phê chuẩn các công ước của LHQ về quyền con người, trong đó có Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật năm 2014. Trong khi đó, cố vấn chính sách về pháp quyền của UNDP tại Việt Nam, ông Scott Ciment, cho rằng Việt Nam đã tham gia 7 trên 9 điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản, đó là một dấu mốc quan trọng. Gần đây là những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự và nhiều luật khác cũng là những bước tiến lớn trong việc đảm bảo nhân quyền. Cố vấn Scott Ciment khẳng định: “Tôi cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực nhân quyền. Các hoạt động hợp tác quốc tế về quyền con người cũng được Việt Nam đẩy mạnh... Điều này cho thấy Việt Nam luôn cầu thị, nghiêm túc trong việc thực hiện và đảm bảo quyền con người cho công dân nước mình”. Những đánh giá của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam này rõ ràng đã làm lu mờ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của HRW về sự phát triển nhân quyền của Việt Nam.

Thành tựu nhân quyền chắp cánh cho Việt Nam hội nhập quốc tế

Trong một diễn biến liên quan, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, Tom Malinowski, từng nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong thực hiện nhân quyền, nhất là việc Chính phủ đã thông qua hai công ước quốc tế quan trọng là công ước chống tra tấn và công ước về quyền của người khuyết tật. Theo ông Tom Malinowski, thực tiễn đó là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn. Thế mà nực cười thay, trong “Phúc trình toàn cầu 2019”, HRW lại lớn tiếng đòi Hội đồng châu Âu hoãn phê duyệt Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) “cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền”.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó có thành tựu về nhân quyền. Thì việc Việt Nam trở thành điểm hẹn, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư hiện đã là xu thế tất yếu, khách quan. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, gây sức ép đòi các nước can thiệp hay lấy cớ để ngăn cản các hoạt động đối ngoại của Việt Nam chỉ cho thấy sự thất thế, bị cô lập của HRW trước xu thế, bối cảnh mới và trước hiện thực khách quan không thể phủ nhận về đất nước và thành tựu nhân quyền ở Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu