Những diễn biến đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 16/6, các nguồn tin quân sự Hàn Quốc khẳng định, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới với Hàn Quốc. 

Đây được coi là hành độngđáp trả mạnh mẽ vụ việc thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc tại khu vực biên giới hai nước.Diễn biến leo thang mới nhất này làm tăng thêm mối quan ngại trong dư luận quốc tế về nguy cơ một kịch bản không mong muốn có thểxảy ra trên bán đảo Triều Tiên, một trong những khu vực hiếm hoi trên thế giới vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Những diễn biến đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1Hàn Quốc xác nhận vụ nổ diễn ra lúc 14h49 ngày 16-6 tại văn phòng liên lạc liên Triều
- Ảnh: Yonhap 

Theo truyền thông và giới quan sát quốc tế, cục diện hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là rất đáng lo ngại, trái ngược hoàn toàn với bầu không khí tích cực tại đây đúng hai năm về trước, khi cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore (12/6/2018). Để đáp trả vụ việc các nhóm người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc mới đây thả bóng bay rải truyền đơn chống phá chính quyền Triều Tiên tại biên giới liên Triều, Bình Nhưỡng đã liên tiếp có những tuyên bố cùng hành động cứng rắn nhằm vào cả Hàn Quốc và Mỹ.

Những hành độngcứng rắn của Triều Tiên

Vụ phá hủy Văn phòng liên lạc chung liên Triều được cho là sự hiện thực hóa lời đe dọa do bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un và hiện là Phó trưởng ban thứ nhất Ủy ban Trung ương đưa ra ngày 13/6, trong đó cảnh báo rằng “hành động đáp trả tiếp theo của Triều Tiên sẽ do quân đội đảm nhiệm”. Khi đó, nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng “hành động tiếp theo” trong lời đe dọa của bà Kim Yo-jong chính là việc phá hủy Văn phòng Liên lạc chung liên Triều.

Chưa hết, chỉ một ngày trước khi phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều, ngày 15/6,tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên có bài viết khẳng định “các hành động trả đũa không ngừng nghỉ sẽ tiếp diễn”. Bài viết đăng tải đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm "Tuyên bố 15 tháng 6", đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000 giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, phê phán Hàn Quốc không nỗ lực ngăn chặn các nhà hoạt động chính trị rải truyền đơn tại biên giới, đồng thời cáo buộc Seoul đã gây nên căng thẳng "tồi tệ nhất từ trước đến nay" trên bán đảo. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA mô tả phát tán truyền đơn là "hành động tấn công phủ đầu trước chiến tranh".Đặc biệt, từ trưa ngày 9/6, Triều Tiên đã cắt đứt mọi liên lạc với Hàn Quốc, bao gồm cả đường dây nóng quân sự, đồng thời khẳng định sẽ đối xử với Hàn Quốc như "kẻ thù".

Những diễn biến đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 2

Quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc khai trương văn phòng liên lạc ở Kaesong năm 2018
- Ảnh: AP

Không chỉ công kích Hàn Quốc, Triều Tiên còn thể hiện sự bất mãn mạnh mẽ với Chính quyền Mỹ. KCNA hôm 11/6 dẫn lời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon cho rằng hy vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Triều đã trở thành "nỗi tuyệt vọng", hai năm sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore. Theo cáo buộc của Ngoại trưởng Triều Tiên,Chính quyền Tổng thống MỹDonald Trump vẫn tìm cách cô lập Triều Tiên và liên tục đe dọa thay đổi chế độ hoặc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.

Cục diện đáng lo ngại

Trên thực tế, không chỉ thời gian qua, mà ngay từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 hồi đầu năm 2019 không đạt được thỏa thuận kỳ vọng, Triều Tiên đã liên tiếp có những hành động khiêu khích và công khai bất hợp tác với Hàn Quốc, điển hình là việc tiến hành hàng chục vụ thử vũ khí và từ chối xúc tiến các dự án hợp tác liên Triều. Theo giới phân tích, cục diện căng thẳng ngại hiện nay là hệ quả tất yếu của tình trạng bế tắc kéo dài trong tiến trình đối thoại phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.

Trước thực tế này,giới chức Hàn Quốc liên tiếp kêu gọi Triều Tiên hợp tác trên tinh thần các thỏa thuận đã đạt được. Ngày 15/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị Triều Tiên tìm kiếm đột phá thông qua đối thoại.Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul ra tuyên bố nêu rõ Hàn Quốc và Triều Tiên cần ghi nhớ tinh thần hòa giải được nêu bật trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước được tổ chức năm 2000.Theo đó, tinh thần của hội nghị thượng đỉnh không phải là bên yếu hơn phải phục tùng bên mạnh hơn, mà là tự do ý chí; không phải đối đầu mà là hòa bình; không phải chia rẽ mà là thống nhất.

Hai bên cần ghi nhớ tinh thần này nếu không muốn mất phương hướng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Về phần mình, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết quân đội nước này đang theo dõi sát sao động thái quân sự của Triều Tiên và duy trì tư thế sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Một ngày trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cũng đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp đặc biệt với sự tham gia của các quan chức an ninh hàng đầu, để thảo luận về các phản ứng gần đây của Triều Tiên. 

Theo giới phân tích, cục diện hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng giới lãnh đạo hai nước sẽ kiềm chế, hành động tỉnh táo, không để căng thẳng diễn biến vượt quá tầm kiểm soát, bởi hậu quả của bất kỳ kịch bản không mong muốn nào, cũng sẽ là cực kỳ thảm khốc,gây tổn thất lớn cho tất cả bên liên quan.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu