Nhiệm kỳ mới không dễ dàng của chủ nhân điện Kremli

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) -Đúng như dự đoán, đương kim Thủ tướng LB Nga Vladimir Putin đã giành thắng lợi thuyết phục ngay ở vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 4/3 vừa qua, giúp ông trở lại chiếc ghế chủ nhân điện Kremli sau 4 năm làm Thủ tướng. Thắng lợi của ông Putin cho thấy sự tín nhiệm cao của cử tri đối với đường lối mà ông đang thực hiện để phát triển nước Nga. Tuy vậy, giới phân tích cũng dự đoán nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Putin không dễ dàng.

(VOV5) - Đúng như dự đoán, đương kim Thủ tướng LB Nga Vladimir Putin đã giành thắng lợi thuyết phục ngay ở vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 4/3 vừa qua, giúp ông trở lại chiếc ghế chủ nhân điện Kremli sau 4 năm làm Thủ tướng. Thắng lợi của ông Putin cho thấy sự tín nhiệm cao của cử tri đối với đường lối mà ông đang thực hiện để phát triển nước Nga. Tuy vậy, giới phân tích cũng dự đoán nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Putin không dễ dàng.

 Nhiệm kỳ mới không dễ dàng của chủ nhân điện Kremli  - ảnh 1
Ông V.Putin được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga (Ảnh:Ria)

Kết quả của cuộc bầu cử được đông đảo các quan sát viên quốc tế đánh giá là trung thực, dân chủ và tự do này đã thể  hiện kỳ vọng của người dân Nga về một đất nước ổn định, phát triển và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đa số cử tri ủng hộ ông Putin trở lại điện Kremli do nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý nhất là trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống từ năm 2000 đến năm 2008 và tiếp đó là một nhiệm 4 năm làm Thủ tướng của ông Putin, nước Nga đã luôn duy trì được sự phát triển trong khi nhiều nước phương Tây phải chật vật trong vòng xoáy suy thoái kinh tế. Liên bang Nga không những tái khẳng định sự tự tin trên trường quốc tế mà còn khôi phục được trật tự xã hội sau thời kỳ dài hỗn loạn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ khoảng 250 tỷ USD nay đã lên tới hơn 1,5 nghìn tỷ USD. Về đối ngoại, ông Putin cũng nổi tiếng là một chính khách có lập trường vững vàng, nhạy bén trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương. Ông đã thành công trong việc củng cố quan hệ giữa Nga với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, chuẩn bị điều kiện cho việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…

 Đáp lại sự tin tưởng của cử tri Nga, phát biểu sau khi biết kết quả kiểm phiếu sơ bộ, ông Putin cam kết sẽ tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước. Đương kim Thủ tướng Nga đồng thời cũng khẳng định toàn bộ chương trình tranh cử của ông liên quan đến 4 lĩnh vực chủ yếu gồm Cải cách hệ thống chính trị và phát huy dân chủ; Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; Tăng cường quốc phòng và củng cố an ninh quốc gia; Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, sẽ được hiện thực hoá một cách nhất quán trong 6 năm ông đảm đương cương vị nguyên thủ quốc gia Liên bang Nga sắp tới.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, những nhiệm vụ mà ông Putin đưa ra không dễ dàng thực hiện. Trước tiên, để hiện đại hóa nền kinh tế, ông Putin phải đưa ra những kế hoạch cải cách cụ thể để hiện thực hóa lời hứa tăng trưởng 6 - 7% GDP, đưa kinh tế Nga từ vị trí thứ 11 hiện nay trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào cuối thập niên này, cải thiện mức sống trung bình cho người dân, cải cách quân đội, y tế, lương hưu….Điều này thật khó khi tại Nga, số người có thu nhập dưới mức nghèo khổ chiếm 14,3% dân số. Trong khi đó, lượng vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi thị trường và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt con số khiêm tốn. Ông Putin cũng sẽ phải giải quyết thực trạng nền kinh tế của đất nước phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô trong bối cảnh năm ngoái, dầu mỏ và khí đốt chiếm gần 50% thu ngân sách của Nga. Tham nhũng cũng là một vấn đề nạn của quốc gia này khi Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2011 xếp Nga vào nhóm nước có nạn tham nhũng thuộc tỷ lệ cao. Ngoài ra, một thử thách không kém quan trọng khác là ông Putin sẽ phải đối phó với sự gia tăng của các phong trào phản kháng, gây bất ổn tình hình đất nước vốn xuất hiện kể từ sau cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12/2011.

Trong lĩnh vực đối ngoại, theo nhiều nhà phân tích, thách thức lớn nhất với ông Putin có lẽ là sự khác biệt trong quan điểm đối với Mỹ và các nước phương Tây về một trật tự thế giới mới theo hướng phục vụ các lợi ích của phương Tây. Làn sóng can thiệp vũ trang hoặc đe dọa can thiệp vũ trang của Mỹ và các đồng minh ở nhiều nước vốn là đồng minh truyền thống của Nga cũng như kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu cũng sẽ là những thử thách lớn cho ông Putin. Trong bối cảnh đó, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác vừa là cơ hội lớn với kinh tế Nga đồng thời cũng là thách thức cạnh tranh trong quá trình phát triển.

Ông Putin sẽ trở lại Điện Kremli vào đầu tháng 5 tới để đảm nhiệm cương vị Tổng thống. Hiện tại còn quá sớm để đoán định về khả năng thành công trong nhiệm kỳ thứ 3 làm Tổng thống LB Nga nhưng với sự ủng hộ của dân chúng cùng bản lĩnh chính trường của ông Putin, cử tri Nga có quyền hy vọng vào tương lai tốt đẹp của nước mình./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu