Nhân tố nào giúp tháo ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên?

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên từng giờ với các biện pháp trừng phạt dồn dập nhằm vào CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo mới đây. 
(VOV5)- Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên từng giờ với các biện pháp trừng phạt dồn dập nhằm vào CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo mới đây. Động thái này, cùng với các lệnh trừng phạt hồi tuần trước của Liên hiệp quốc, một lần nữa đưa CHDCND Triều Tiên vào vòng vây trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay. Các biện pháp trừng phạt mới tác dụng ra sao và nhân tố nào có thể giúp tháo ngòi nổ căng thẳng hiện nay, đang là những câu hỏi khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Nhân tố nào giúp tháo ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên? - ảnh 1
Hàn Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. (Ảnh Yonhap)



Trong một diễn biến mới nhất, ngày 8/3, Hàn Quốc công bố một loạt biện pháp trừng phạt của riêng Seoul chống Bình Nhưỡng. Theo đó, cấm tàu thuyền từng cập cảng Triều Tiên trong 180 ngày qua vào lãnh hải của Hàn Quốc, đưa vào danh sách đen 38 quan chức Triều Tiên và 2 người nước ngoài, cùng với 30 tổ chức tham gia vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hàn Quốc cũng khuyến cáo công dân của mình ở nước ngoài không tới các quán ăn của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã chính thức ngừng dự án hợp tác ba bên “Nanjin-Khasan” với Nga và CHDCND Triều Tiên.


Phản ứng tiêu cực

Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt liên tục, trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận với sự tham gia của số lượng binh sĩ nhiều và khí tài hiện đại nhất từ trước tới nay, Bình Nhưỡng tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hóa học. CHDCND Triều Tiên, một mặt tuyên bố bác bỏ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, mặt khác đẩy mạnh củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình, cho biết nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào và luôn trong tư thế “tấn công phủ đầu” nếu bị kẻ thù đe dọa.

Giới quan sát cho rằng, phản ứng của CHDCND Triều Tiên không có gì lạ và đây không phải là lần đầu tiên nước này phản ứng tiêu cực với lệnh cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc từng áp đặt 3 lệnh trừng phạt với CHDCND Triều Tiên vào các năm 2006, 2009 và 2013. Tuy nhiên, thái độ lần này của Bình Nhưỡng quyết liệt hơn hẳn, bởi Liên hợp quốc bổ sung thêm hàng loạt những biện pháp mới được coi là cứng rắn nhất từ trước tới nay. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng đi và đến CHDCND Triều Tiên đều sẽ bị kiểm tra, bị cấm xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm, đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không. Các biện pháp trừng phạt này được cho là ảnh hưởng đến nguồn tài trợ cần thiết để thúc đẩy chương trình tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.


Nhân tố nào có thể kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán?

Thực tế từ trước đến nay, dư luận vẫn nghi ngại vào tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt lên Triều Tiên. 4 nghị quyết với những biện pháp trừng phạt mỗi lúc một mạnh hơn đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 đã không giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, không đủ thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, bán đảo Triều Tiên luôn ở trong tình trạng căng thẳng bởi những hành động đáp trả căng thẳng giữa hai miền.

Tuy nhiên, nghị quyết trừng phạt lần này của Liên hợp quốc xuất hiện những tín hiệu tích cực mới, có thể giúp đưa CHDCND Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, tìm con đường đối thoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đó là nhân tố Bắc Kinh. Có thể thấy, Trung Quốc thường từ chối bỏ phiếu trong các cuộc họp về nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên trước đó do những lợi ích liên quan, nhưng lần này chính Bắc Kinh lại là nhân tố tích cực, cùng bắt tay với Mỹ thúc đẩy một nghị quyết trừng phạt. Cả Washington và Bắc Kinh đều thống nhất rằng Bình Nhưỡng không được phép phát triển vũ khí hạt nhân và cần phải quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, đồng thời hy vọng Nghị quyết trừng phạt sẽ là một điểm khởi đầu mới, đặt nền móng cho các giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Không chỉ bằng lời nói, Bắc Kinh ngay lập tức cũng tăng cường áp đặt những lệnh cấm vận nghiêm khắc mới nhằm vào Bình Nhưỡng như yêu cầu quan chức hàng hải nước này đưa hàng loạt tàu thuyền của của Triều Tiên vào danh sách đen. Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tích cực trao đổi với Bình Nhưỡng để nối lại đàm phán 6 bên.

Việc Trung Quốc đặt bút ký vào nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên là tín hiệu tích cực trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, mở ra hy vọng cho đàm phán 6 bên. Rõ ràng, với những lợi ích gắn kết chặt chẽ, Bắc Kinh có vai trò và ảnh hưởng to lớn đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế bị cấm vận. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên như lời nước này tuyên bố: mục đích cuối cùng của trừng phạt không phải là làm xấu đi tình trạng đối đầu mà là thuyết phục nối lại đàm phán về chấm dứt chương trình hạt nhân và đưa CHDCND Triều Tiên gia nhập trở lại với cộng đồng quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu