Nhân dân có vai trò quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp

Giang Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Từ 02/01/2013 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đều có thể tham gia góp ý sửa đổi 8 nội dung của Hiến pháp năm 1992, trong đó có những nội dung quan trọng như chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước.

(VOV5) - Từ 02/01/2013 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đều có thể tham gia góp ý sửa đổi 8 nội dung của Hiến pháp năm 1992, trong đó có những nội dung quan trọng như chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước.

Chỉ thị của Bộ chính trị do Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt nam Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 28/12 và Nghị quyết của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành cùng ngày đều khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Việc này nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của người dân; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nhân dân có vai trò quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp  - ảnh 1
Ông Phan Trung Lý (giữa): Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng


Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là kết tinh của quá trình lao động, tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học từ trung ương đến địa phương thông qua các đợt tổng kết thi hành Hiến pháp và các đợt lấy ý kiến, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua. Ông Phan Trung Lý cũng khẳng định nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Các Hiến pháp trước đây của Việt nam như Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2001 đều được lấy ý kiến nhân dân. Lần này, ý kiến nhân dân cũng sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, ủy viên Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho biết việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là cách để khẳng định quyền lực của nhân dân như bản chất của Hiến pháp. Ông nói: Thực tế, bản Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo quy định: dân có quyền phúc quyết Hiến pháp. Điều 2 của Hiến pháp hiện hành khẳng định tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân. Khẳng định như vậy là rất chính xác. Nhân dân không chỉ thực hiện quyền lực nhà nước qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà nhân dân còn thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tất cả các cơ quan khác.


Theo Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhân dân góp ý thông qua việc góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức;  thảo luận tại các Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm; hoặc thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng.  Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác cũng sẽ lấy ý kiến nhân dân. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam Vũ Trọng Kim, Mặt trận tổ quốc Việt nam sẽ triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nhiều hình thức phong phú như tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với nhiều chủ đề, nội dung, vận động các tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài thẳng thắn đóng góp ý kiến đối với toàn bộ nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Kéo dài trong 3 tháng (từ 2/1 đến 31/3/2013), việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được kỳ vọng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân, để mọi người cùng tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu