Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đang xúc tiến việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2001) và  tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam. Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi) do Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chuẩn bị, lần đầu tiên sẽ  trình lên Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.  

(VOV5) - Việt Nam đang xúc tiến việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2001) và  tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam. Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi) do Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chuẩn bị, lần đầu tiên sẽ  trình lên Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.  

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 ở Việt nam được tiến hành theo nguyên tắc thống nhất, tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp. Quá trình thực hiện bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến của nhân dân, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban: "Công việc sửa đổi Hiến pháp rất hệ trọng. Tập trung nhưng dân chủ. Dân chủ nhưng tập trung. Chúng ta phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phải dân chủ lấy ý kiến rộng rãi của người dân, các nhà khoa học, các nhà quản lý. Trong quá trình tổng kết, trong quá trình hội thảo, tham gia lấy ý kiến cũng như quá trình  xin ý kiến nhưng phải bảo đảm nguyên tắc có tập trung, có dân chủ và phải được  thực hiện một cách rất cẩn trọng".


 Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - ảnh 1


Cho đến nay, Dự thảo sơ bộ Hiến pháp sửa đổi đã được Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình tại phiên họp của Ủy ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tổ chức ngày 27/8/2012 tại Hà nội. Dự thảo gồm 11 chương, 140 điều, bám sát các quan điểm, đường lối, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XI  Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5 khóa 11. Với 9 vấn đề cơ bản được nghiên cứu sửa đổi theo chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Dự thảo đã thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi cả về nội dung, cơ cấu các chương, điều khoản và kỹ thuật lập hiến của một bản dự thảo dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhằm thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình mới của đất nước. Điểm mới quan trọng của dự thảo là đã ghi nhận rõ một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng về chủ quyền nhân dân gắn với tính thượng tôn Hiến pháp, về tổ chức quyền lực nhà nước, về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vừa phản ánh được sự tiến gần đến các giá trị chung của nhân loại về Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, vừa thể hiện tính kế thừa với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị phản ánh đặc thù chính trị - pháp lý của Hiến pháp thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở VN. Quyền con người trong Dự thảo sơ bộ Hiến pháp sửa đổi được ghi nhận  là có nhiều đổi mới mạnh mẽ với việc thể chế hoá đầy đủ và sâu sắc đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước VN trong lĩnh vực nhân quyền, thể hiện tính đúng và tốt hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong việc hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Một trong những điểm rất đáng được ghi nhận là Dự thảo đã khắc phục bất cập lớn của Hiến pháp hiện hành là bổ sung yếu tố kiểm soát vào nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước; định danh rõ ràng cơ quan thực hiện các quyền như: quyền lập pháp (Quốc hội), quyền hành pháp (Chính phủ), quyền tư pháp (Toà án); thiết kế một chương về thiết chế độc lập nhằm cụ thể hoá cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước (Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước).

Những điểm mới này sẽ được Ban biên tập đưa vào nội dung sửa đổi trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 xem xét, cho ý kiến. Ngoài ra, nhiều nội dung về tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền giữa các cơ quan nhà nước được giao quyền, các quyền cơ bản của công dân như quyền được sống, quyền tự do, quyền về sở hữu hợp pháp tài sản của công dân được Nhà nước bảo vệ trên tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật .v.v. của Dự thảo, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, sẽ tiếp tục được lấy ý kiến để đi đến thống nhất, như Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã khẳng định: "Từ khi chúng ta có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, công việc chủ yếu là của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan có liên quan nhưng đây cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Bởi vì Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhưng ý chí và nguyện vọng là của toàn dân, toàn xã hội. Do đó mà bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào đều có quyền đóng góp ý kiến. Và chính vì vậy mà đây là một đợt sinh hoạt chính trị rất lớn, sâu sắc và quan trọng".

Theo kế hoạch, Dự thảo sơ bộ Hiến pháp sửa đổi sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2012. Sau đó, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong quần chúng nhân dân để hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2013./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu