Sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 chính thức ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel tại cao nguyên Golan. Động thái của ông Trump nêu trên một lần nữa đưa vị tổng thống này thành tâm điểm trên chính trường quốc tế, khi đảo ngược chính sách của Mỹ đối với khu vực này vốn dĩ đã duy trì hơn 50 năm qua. Động thái này làm dấy lên lo ngại sâu sắc trên thế giới cảnh báo có thể gây ra hậu quả rất nguy hiểm về chính trị an ninh và hệ lụy về pháp lý quốc tế.
Tuyên bố của ông Donald Trump là bước đi mới nhất của Mỹ gây nên những tranh cãi ở Trung Đông, ở cả những quốc gia có quan hệ với Israel lẫn quốc gia thù địch. Tuyên bố này cũng có nguy cơ thổi bùng lên một nguy cơ xung đột mới tại vùng đất mà Israel và Syria đã tranh chấp nhiều thập kỷ.
Cao nguyên Golan, nằm giữa biên giới Israel và Syria, đã bị Israel chiếm từ Syria trong "Cuộc chiến tranh sáu ngày" năm 1967. - Ảnh: AL-JAZEERA |
Bất ngờ thay đổi chính sách
Tuyên bố của ông Donald. Trump đánh dấu sự thay đổi bất ngờ trong chính sách của Mỹ đối với quy chế của một vùng đất có tranh chấp mà Israel chiếm từ tay Syria trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và sáp nhập vào năm 1981, một động thái không được quốc tế thừa nhận.
Tuyên bố của ông Trump về cao nguyên Golan không chỉ bất chấp luật pháp quốc tế mà còn trái ngược hoàn toàn quan điểm liên quan từ trước đến nay của Mỹ. Cao nguyên Golan xưa nay thuộc về Syria. Israel chiếm vùng lãnh thổ này trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sát nhập vào lãnh thổ Israel năm 1981. Liên Hợp Quốc xác nhận chủ quyền hoàn toàn của Syria đối với cao nguyên Golan, coi hành động của Israel với Golan là vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ này cho Syria. Đáng chú ý, đây cũng là quan điểm thái độ chính thức của Mỹ xưa nay về cao nguyên Golan. Hai nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc với nội dung như trên là 242 ngày 22/11/1967 và 497 ngày 17/12/1981 đều được Mỹ ủng hộ.
Tuyên bố của ông D.Trump tất nhiên đã thổi bùng lên làn sóng chỉ trích từ các nước trong và ngoài khu vực. Syria cho rằng đây là đòn tấn công vào một quốc gia có chủ quyền trong khu vực đồng thời khẳng định động thái này của ông D.Trump là sự cô lập nước Mỹ. Nhiều nước cũng cảnh báo việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sẽ gây ra làn sóng căng thẳng mới ở Trung Đông, nhấn mạnh sự cần thiết tôn trọng các quyết định về tính hợp pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Còn về phía Liên Hợp Quốc, ngay sau tuyên bố của ông Trump, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định chính sách của Liên Hợp Quốc về cao nguyên Golan chưa thay đổi.
Những hệ lụy tai hại
Sự xuất hiện của Mỹ đã khiến Golan trở thành điểm nóng mới nhất ở Trung Đông. Những chính sách của Tổng thống D.Trump gần đây, từ việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem và lần này tuyên bố chủ quyền cao nguyên Golan thuộc về Israel…, đã tạo ra mối lo ngại lớn đối với luật pháp quốc tế và an ninh, ổn định ở khu vực này. Dưới nhận định của các nhà quan sát, động thái này của Tổng thống Mỹ D.Trump hoàn toàn không phải là quyết định ngẫu hứng mà là bước đi tiếp theo trong quan điểm chính sách lâu nay của chính quyền Mỹ đối với Israel và khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria đã đi vào giai đoạn cuối và Syria đã tập hợp được cho mình một liên minh hùng mạnh, trong đó Nga đang nổi lên với vai trò như thủ lĩnh mới ở Trung Đông, còn vai trò của Mỹ ở khu vực này đang mờ nhạt. Quyết định này có thể đánh dấu sự trở lại của Mỹ ở Trung Đông, bắt đầu hình thành một cuộc cạnh tranh địa chính trị mới. Việc tạo ra một điểm nóng mới với Washington lúc này có ý nghĩa rất quan trọng và cao nguyên Golan chính là một địa điểm được chọn.
Tuyên bố công nhận chủ quyền Golan thuộc về Israel cũng được xem như là một lá phiếu ủng hộ Thủ tướng Israel Netanyahu ngay trước thềm cuộc bầu cử quốc hội nước này. Tuy nhiên, ông Trump làm hài lòng Israel bao nhiêu thì lại khiến các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực nghi ngại và khó xử bấy nhiêu. Động thái này của Mỹ càng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa thế giới Arab và Israel ở khu vực Trung Đông. Đa số thế giới Arab đã từng cảm thấy căm phẫn khi Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, giờ đây với bước đi mới này của Mỹ, sự thù địch của thế giới Arab với Israel có thể nóng lên.
Thực tế, vấn đề Israel tuyên bố chủ quyền ở Golan là không mới, và những sự phản ứng đáp trả thông qua những tuyên bố của Syria cũng vậy, nó đã kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc Washington trực tiếp tham gia vào vấn đề xung đột giữa hai quốc gia này đang tạo ra những hệ lụy nguy hiểm, gây bất ổn ở Trung Đông và làm suy yếu cơ hội hòa bình lâu dài trong khu vực.